Tận mục các cánh rừng “gọi” mưa lũ và chết chóc về cho Yên Bái!

Gần đây, nếu có một bảng phong thần buồn bã về một tỉnh rừng núi bị thảm họa thiên nhiên nhiều và thảm khốc nhất Việt Nam, chắc chắn TOP đầu không thể nào thiếu cái tên: Yên Bái.

Trong tích tắc, vài chục người chết ở Ba Khe, ngót hai chục người chết thảm bất toàn thây ở La Pán Tẩn, lũ khốc hại ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ, mưa lũ gây chết chóc nhiều và cô lập hoàn toàn huyện Trạm Tấu... Liên tiếp và liên tiếp.

Đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Đinh Hữu Dư cũng tử nạn, mưa lũ bẻ gẫy cả cây cầu bê tông cốt thép tưởng như không thể kiên cố hơn ở ngòi Thia, khi Dư đang đứng tác nghiệp.

Phá rừng pơ mu cổ thụ và các loài gỗ quý hàng nghìn năm tuổi ở Yên Bái đã diễn ra từ nhiều năm, cây gỗ đường kính 3m, chợ gỗ pơ mu tươi được bày bán giữa bìa rừng (Ảnh tư liệu của Báo Lao Động) 

Rất nhiều người, trong nhiều năm đã đặt các câu hỏi vì sao và vì sao? Nhắm mắt cũng biết và các nhà khoa học cũng đã đúc kết rõ ràng: thảm họa đến từ lối ứng xử tàn độc của con người với thiên nhiên, rừng bị phá, núi đồi bị xẻ thịt xuẩn ngốc, sông suối bị ngăn bít bởi các công trình vô lối và tham lam.

Rừng là tấm áo giáp bảo bọc, là bộ khiên che chắn, là nơi giữ nước và ngăn mưa lũ gây họa. Người ta đã phá rừng ở đâu?

Câu trả lời là: chắc chắn họ phá rừng, dù không biết phá ở những đâu và những chỗ từng tai tiếng bị phá giờ còn tái diễn điều xấu xa ngày cũ hay không? Chỉ biết rằng, trong bụng dòng nước ngầu bọt và hung hãn tràn về khi thảm sát nhiều lương dân vô tội kia, chứa rất nhiều gỗ.

Có khi, ở Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải, cả một hồ thủy lợi mênh mông bít kín bạt ngàn toàn gỗ. Có khi, cánh đồng lớn ở Văn Chấn, sau khi mấy chục người thiệt mạng, mưa tan, lũ dừng thì núi củi rộng dài như bất tận hiện ra. Rừng trả những thây gỗ mà loài người đã giết chết của rừng về. Như một sự trả vố của thiên nhiên với lối hành xử ích kỷ và cuồng dại của những đứa con hư.

Sau một thời gian tìm hiểu và được sự hỗ trợ đặc biệt của những lương dân biết lo cho vùng quê nhiều thảm họa của mình, nhóm PV Lao Động đã tận mục những cảnh phá rừng đầy xót xa tại xã vùng cao Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh chụp cuối tháng 10 năm 2017.

 

 

 

 

 

Cây bị tàn sát trong rừng phòng hộ, gỗ đưa về xưởng cưa, khi mưa lũ, gỗ trôi về tàn phá xóm làng của bà con. Ảnh chụp tháng 10.2017 tại Yên Bái. (Ảnh: Thanh Tâm) 

Chúng tôi muốn đăng kèm bài này một số bức ảnh tư liệu, để nhấn mạnh: điều quan trọng và đáng sợ nhất là rừng bị phá đã nhiều năm nhưng cơ quan chức năng mặc kệ hoặc bất lực, chuyện về những cây pơ mu nghìn năm tuổi và các loài gỗ quý bị tàn sát một cách có quá trình để hệ quả hôm nay người dân vô tội phải gánh chịu.

Cho nên, vấn đề bức xúc và khẩn cấp cần giải quyết lúc này là: nếu không có giải pháp căn cơ, minh bạch và triệt tiêu “tham nhũng rừng”, thì Yên Bái còn phải gánh chịu nhiều thảm họa nữa.

Theo Trần Thị Thanh Tâm /Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều