Trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu: Vô đạo đức!

Vụ việc cơ sở sản xuất cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, Đắk R’lấp, Đắk Nông) sử dụng hàng chục tấn cà phê "bẩn" trộn lẫn với đất, bột đá, pin đã được công an khởi tố vụ án hình sự. Công an cũng tiếp tục điều tra việc tư thương sử dụng các hợp chất bẩn, độc hại trộn vào tiêu để tăng trọng lượng. Như vậy, chất độc trộn lẫn trong nông sản bẩn có thể đã phát tán đi nhiều hướng, nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng.

Sự việc bị phát giác, gây phẫn nộ dư luận. Đáng nói đây không phải là vụ việc mới, cá biệt. Vì hám lợi, nhiều tư thương đã dã tâm sử dụng chất phế thải, chất bẩn, thậm chí độc hại, có nguy cơ giết chết trực tiếp người tiêu dùng. Vụ dùng than tro của tre làm thuốc chữa ung thư mới bị phát hiện tại Hải Phòng cũng quá sức tưởng tượng của người dân. Hành vi tàn độc này sẽ bị khởi tố điều tra, bị xử lý nghiêm trước pháp luật, tuy vậy, những biểu hiện vô đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thương mại ngày càng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Việc trộn phế phẩm vỏ cà phê với bột đá, đất và nhuộm pin vào tiêu để tăng sản lượng của các cơ sở kinh doanh tại Đăk Nông không chỉ trực tiếp giết chết những người vô tình sử dụng sản phẩm bẩn này, mà còn gián tiếp giết chết cả uy tín ngành nông sản của Việt Nam.

Hồ tiêu, vốn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam ra hàng trăm thị trường trên thế giới, với sản lượng rất lớn mỗi năm. Thế nhưng thời gian gần đây, giá hồ tiêu ở Việt Nam bị rớt thê thảm. Thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai là 2 huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh đang rơi vào cảnh hồ tiêu chết đột ngột trên diện rộng.

Thời vàng son được giá, hồ tiêu biến mảnh đất khô cằn mọc lên san sát những căn biệt thự, nhiều người thành “đại gia”, thì nay nhiều đại gia ấy lại lâm cảnh nợ nần, có người phải bỏ xứ, trốn nợ. Giá tiêu giảm từ mức 270.000/kg nay chỉ còn 40- 60.000 đồng/kg. Nhiều thị trường khó tính đã chê tiêu Gia Lai vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. 

Để cứu những vườn tiêu đang chết, cứu giá thành tiêu đang bị rớt từng ngày, nhiều nông hộ ở Chư Sê, Chư Pưh đã chuyển sang phương pháp canh tác sạch. Nghĩa là không sử dụng cả thuốc bảo vệ thực vật lẫn phân hóa học. Thế nhưng, hạt tiêu vẫn không đạt chuẩn xuất khẩu vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tồn dư quá ngưỡng. Tất cả điều đó cho thất đất ở thủ phủ tiêu này đã bị nhiễm độc.

Điều cay đắng hơn là chỉ đi chưa tới 100km, qua bên kia biên giới thì tiêu của Campuchia đã xuất khẩu được sang cả những thị trường khó tính ở Châu Âu. Giá tiêu Kampot  cao ngất ngưởng: tiêu đen là 15 USD/kg, tiêu đỏ là 25 USD/kg, tiêu trắng là 28 USD/kg..., cao gấp hàng chục lần giá thành của tiêu Việt Nam.

Nay nếu trên thị trường Việt Nam xuất hiện thêm "siêu phẩm" tiêu trộn bột đá, phế phẩm vỏ cà phê, pin, bột đá, đất... thì có thể nói uy tín cà phê Việt Nam sẽ bị giết chết hẳn. Nguy cơ nhiễm độc không chỉ trong đất, trong nông sản mà có lẽ từ trong não trạng của những người sản xuất, kinh doanh vô đạo đức. Giải pháp cho nông sản bẩn hiện nay không thể giải quyết triệt để nếu chỉ bằng cách bắt, xử phạt tù.

Theo Thanh Hải/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều