Vụ doanh nghiệp “mắc kẹt” giữa khối tài sản trúng đấu giá từ Agribank: Vướng “lùm xùm” khiếu kiện, ngân hàng “đá bóng” trách nhiệm

(Mặt trận) - Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Anh bỏ ra khoản tiền 7,7 tỷ đồng mua khối tài sản trúng đấu giá từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bình Giang (Agribank Bình Giang) nhưng vẫn không thể hoàn thiện được các thủ tục về đất đai, phía Ngân hàng khăng khăng cho rằng, họ chỉ phát mại tài sản trên đất chứ không bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Anh.

Như đã thông tin, Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) có trụ sở tại số 35 Trần Hưng Đạo, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là đơn vị trúng đấu tài sản bao gồm nhà xưởng, vật dụng kiến trúc trên diện tích đất 7.600m2 đất thuê trả tiền hàng năm (tại Cụm công nghiệp xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) và có thời hạn đến năm 2029 theo GCN QSD đất số AE 096500 ngày 17/6/2006 do Agribank Bình Giang phát mại thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương với giá hơn 7,7 tỷ đồng.

Sau khi trúng đấu giá, ngày 13/5/2015, Công ty Hoàng Anh đã nhận bàn giao tài sản từ Agribank Bình Giang.

Thế nhưng, do vướng mắc pháp lý giữa Ngân hàng và chủ doanh nghiệp cũ của tài sản cùng với động thái “ì ạch” của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang đã khiến Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Anh - đơn vị trúng đấu giá lâm cảnh lao đao, dẫn đến nhiều thiệt hại nặng nề.

Theo ông Lê Văn Khang – Giám đốc Công ty Hoàng Anh cho biết, “Đã hơn 3 năm kể từ ngày Agribank Bình Giang bàn giao tài sản cho chúng tôi. Đến nay, một số máy móc thiết bị của Công ty Đại Phát mà phía Agribank Bình Giang gửi lại vẫn nằm chình ình trên đất Công ty Hoàng Anh trúng đấu giá. Chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với khu đất, không có mặt bằng sạch cùng với việc bỏ ra khoản chi phí khủng khiếp để trong coi khối tài sản không phải của mình khiến doanh nghiệp chúng tôi điêu đứng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nhiều thiệt hại vô cùng nặng nề”.

Dù đã nhiều lần yêu cầu di dời tài sản của Công ty Đại Phát ra khỏi khu đất nhưng Agribank Bình Giang không chịu thực hiện, như “tức nước vỡ bờ”, ngày 27/11/2017, Công ty Hoàng Anh đã khởi kiện Agribank Bình Giang ra Tòa án nhân dân huyện Bình Giang yêu cầu phía ngân hàng di dời ngay khối tài sản còn gửi lại và trả lại mặt bằng sạch cho Công ty Hoàng Anh. Ngoài ra, còn yêu cầu Agribank Bình Giang bồi thường toàn bộ thiệt hại về kinh tế, mất địa điểm, mất mặt bằng sản xuất, kinh doanh cũng như chi trả toàn bộ chi phí trông giữ, kho bãi.

Ngoài ra, hiện nay Công ty Hoàng Anh đang đề xuất thực hiện dự án Cơ sở gia công, lắp ráp máy nông nghiệp trên mặt bằng trúng đấu giá do Agribank Bình Giang phát mại nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương chấp thuận.

“Chúng tôi hoàn toàn không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng chính sự “nhùng nhằng” giữa Agribank Bình Giang và Công ty Đại Phát đã khiến chúng tôi ra nông nỗi này. Nếu không có tiềm lực tài chính và sự ủng hộ của các đối tác có lẽ đã phá sản lâu rồi”– ông Khang bức xúc cho biết.

Tại văn bản số 1854/STNMT-NVQLĐĐ ngày 31/10/2017 do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương Vũ Ngọc Long ký ban hành nêu rõ:

“… Ngày 25/5/2017 và 29//6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được văn bản số 02/CV-ĐP và số 03/CV-ĐP của Công ty Đại Phát đề nghị không cho phép tiến hành chuyển dịch tài sản liên quan đến diện tích 7.600m2 đất UBND tỉnh Hải Dương cấp GCN QSD đất số AE 069500 ngày 17/10/2006. Tiếp đó, ngày ngày 07/6/2017, Tòa án nhân dân huyện Bình Giang có Thông báo số 06/TB-TLVA về việc thụ lý vụ án. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được văn bản của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang giải quyết vụ việc. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được văn bản chấm dứt hoạt động đối với dự án đầu tư của Công ty Đại Phát  theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1551/BLHĐT-PC ngày 01/3/2017.

Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chưa chấp thuận chủ trương cho Công ty Hoàng Anh thực hiện dự án trên diện tích đất của Công ty Đại Phát. Sau khi Tòa án nhân dân huyện Bình Giang giải quyết xong vụ kiện và được giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời có văn bản chấm dứt hoạt động đối với các dự án đầu tư của Công ty Đại Phát. Đề nghị UBND tỉnh xem xét chủ trương đầu tư đối với Cơ sở gia công, lắp ráp máy nông nghiệp của Công ty Hoàng Anh”.

Sau đó, ông Nguyễn Đình Kiêm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cũng đã ký ban hành Báo cáo thẩm định số 1760/BC-KHĐT-TĐĐTTN ngày 30/11/2017 trong đó có nội dung: “Để có cơ sở quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cơ sở gia công, lắp ráp máy nông nghiệp của Công ty Hoàng Anh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện Bình Giang sớm giải quyết và có kết luận về vụ án “Tranh chấp đòi tài sản” của Công ty Đại Phát”.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cong ty Hoàng Anh đang mắc phải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Tấn - Giám đốc Agribank Bình Giang.

Ông Đặng Văn Tấn – Giám đốc Agribank Bình Giang (bên trái) trả lời báo chí một số vấn đề liên quan đến vụ việc.

Tại buổi làm việc, ông Tấn cho biết, việc định giá tài sản trên đất được thực hiện theo Nghị định 163 của Chính phủ và Luật Đất đai là không cho phép thế chấp đất thuê hằng năm, trừ trường hợp đất trả tiền có thời hạn trên 5 năm thì mới được thế chấp quyền sử dụng đất và nguồn gốc đất đó không phải nguồn gốc đất của ngân sách từ thời điểm bỏ ra. Cũng theo nghị định 163 của Chính phủ và Luật Đất đai, khi Công ty Hoàng Anh trúng đấu giá tài sản trên đất thì doanh nghiệp này được tiếp tục cho thuê để sử dụng vào đúng mục đích. Nếu Hoàng Anh muốn thay đổi mục đích sử dụng thì sẽ phải làm thủ tục với nhà nước để thay đổi mục đích sử dụng đất.

“Quyền lợi doanh nghiệp trúng đấu giá khi doanh nghiệp cũ là Đại Phát không trả được tiền ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp thì ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp trên đất đó để thu hồi tiền cho nhà nước và người trúng đấu giá ô đất được nhà nước tiếp tục cho thuê đất để sử dụng vào mục đích đã được quy định” - ông Đặng Văn Tấn – Giám đốc Agribank Bình Giang nói.

“Toàn bộ tài sản này khi định giá thì ngân hàng sẽ định giá tài sản trên đất. Việc định giá ban đầu chỉ là cơ sở xác định mức cho vay chứ không phải là cơ sở để định giá tài sản để tránh trường hợp sau này khách hàng không trả được nợ và không phải cơ sở để định giá bán tài sản. Thứ nữa, toàn bộ đất thuê 7.600m2 của Đại Phát nhưng xây dựng nhà xưởng chỉ vài nghìn m2 chứ không phải toàn bộ khu đất. Để đảm bảo quyền lợi cho Đại Phát, ngân hàng đã thuê trung tâm đấu giá Hải Dương để thẩm định giá đó là cơ sở để thông báo việc phát mại tài sản để khách quan giữa các bên, chứ ngân hàng không áp đặt và người bị bán đấu giá cũng không thiệt thòi” - ông Đặng Văn Tấn thông tin về quá trình xử lý tài sản đảm bảo của Công ty Đại Phát.

Không phải ngân hàng “đem con bỏ chợ”. Phía Ngân hàng đang hết sức nỗ lực trong việc hỗ trợ tất cả các thủ tục, cung cấp hồ sơ để Hoàng Anh đi làm thủ tục với các cơ quan hữu quan. Còn một số thủ tục khác, Hoàng Anh phải tự lo chứ ngân hàng không thể lo thay được.

Bây giờ phía ngân hàng cũng đang quyết liệt đề nghị Tòa án nhanh chóng giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho các bên. Phán quyết cuối cùng phải do tòa án nhân dân, nhanh chậm hay không là ở tòa án. Nhưng có vướng mắc là việc định giá tài sản làm cơ sở vì Đại Phát đang khởi kiện ngân hàng đối với nội dung thiệt hại tài sản và Hoàng Anh cũng đang khởi kiện, yêu cầu ngân hàng phải di dời và đòi bồi thường việc trông coi quản lý” - Ông Đặng Văn Tấn trần tình.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Giang cho biết, sau khi Agribank bán phát mại tài sản, Công ty Đại Phát vẫn còn một số tài sản để lại trên khu đất đó. Theo đương sự các bên cung cấp, Công ty Hoàng Anh có nói giữa 2 bên có giao kết ngân hàng có thuê lại địa điểm để trông giữ và mất phí. Trong quá trình giải quyết, chúng tôi phải lôi kéo Hoàng Anh vào với tư cách là bên có liên quan.  Sau đó, Công ty Hoàng Anh có yêu cầu Ngân hàng chuyển số tài sản còn thừa ra khỏi vị trí để kinh doanh.

“Về trình tự thủ tục đấu giá, Tòa án nhân dân huyện Bình Giang đang trong quá trình xem xét. Thực tế ra, việc mua lại tài sản của ngân hàng sẽ không được đảm bảo vì ngân hàng phát mại là sai. Công ty Hoàng Anh đang ở vào tình cảnh rất là khó. Đất này không thuộc diện thế chấp, Đại Phát chỉ thế chấp dây chuyền, công nghệ trên đất đấy thôi, vì vậy ngân hàng phát mại cả đất và Hoàng Anh đã mua lại được. Vừa rồi, Tòa án mới ra quyết định thành lập hội đồng định giá để định giá tài sản tranh chấp đó làm căn cứ để đưa ra xét xử. Tuy nhiên, ý kiến của hội đồng định giá là không đủ căn cứ để định giá cái dây chuyền công nghệ đó, nó không là gì để thẩm định được. Do đó, Tòa án phải tạm đình chỉ vụ án để trưng cầu các cơ quan chuyên môn đó. Phía Hoàng Anh đang cho rằng, họ mua lại tài sản là đúng và đang bị thiệt hại và thực tế là thiệt hại thật. Vì nếu mua đúng quy trình, thì đáng lẽ Công ty Hoàng Anh đã có thể đưa toàn bộ dây chuyền vào hoạt động sản xuất rồi. Nhưng do sai phạm chỗ khác dẫn đến thiệt hại của Công ty Hoàng Anh” - Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Giang nói.

Đối với sự việc nêu trên, để chấn chỉnh hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo sự công khai, công bằng và minh bạch, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để ra sai phạm (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều