Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến đổi mới tổ chức hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

(Mặt trận) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đa chiều đến hệ thống chính trị Việt Nam. Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cả phương diện thời cơ và thách thức. Bài viết phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến tổ chức hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới để thích ứng trong điều kiện hiện nay.

 Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.Ảnh: dangcongsan.vn

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng dựa trên 3 nhóm công nghệ chủ yếu: (1) Nhóm công nghệ ở lĩnh vực kỹ thuật số/số hóa; (2) Nhóm công nghệ ở lĩnh vực vật lý/hữu hình; (3) Nhóm công nghệ ở lĩnh vực sinh học. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi căn bản cuộc sống, nền sản xuất, cách thức giao tiếp, làm việc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà nước, thậm chí cả hệ thống chính trị trên toàn thế giới. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, tác động đến tất cả các quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Hệ thống chính trị Việt Nam cũng đang trực tiếp vận hành và chịu tác động mạnh mẽ của cuộc các mạng này. Đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phải đương đầu trực tiếp với những biến đổi của môi trường quốc tế, xu thế thời đại, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó có thể thấy rằng, trong khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo và tổ chức hoạt động của Đảng, cũng có một số tác động tiêu cực và tạo ra nhiều thách thức.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến tổ chức hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những điều kiện thuận lợi, những cơ hội nhất định cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên phương diện tổ chức hoạt động.

Thứ nhất, giúp cho việc hoạch định chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng mang tính hiện đại, chuyên nghiệp, dân chủ và hiệu quả hơn. Sự tham gia của các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học và cả người dân trong quá trình hoạch định thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các kênh trao đổi, góp ý trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho số lượng người tham gia nhiều hơn, dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

Thứ hai, tạo sự đồng thuận xã hội lớn hơn và sự tham gia tích cực hơn của người dân và xã hội. Người dân sẽ thấy mình thực sự là một phần của quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chứ không phải chỉ là người được thông báo và hướng dẫn thực hiện các chủ trương, đường lối này như từ trước đến nay vẫn làm.

Thứ ba, việc thu hút, tuyển chọn và phát triển nhân tài sẽ hiệu quả và bền vững hơn. Thế hệ trẻ sẽ thấy làm việc trong hệ thống chính trị trở nên hấp dẫn với một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và cạnh tranh. Những nhân tài sẽ được phát hiện, tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện để trở thành những lãnh đạo trong tương lai. Những người giỏi, có năng lực và phẩm chất tốt nhất sẽ phấn đấu và có cơ hội thi tuyển cạnh tranh để trở thành cán bộ, công chức và lãnh đạo.

Thứ tư, việc chuyển đổi số giúp cho các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện dựa trên dữ liệu và công nghệ. Vì vậy sẽ nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện việc phòng, chống đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn sự chuyển đổi số. Hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức trực tuyến trong 2 ngày 27-28/3/2021, với 67 điểm cầu ở các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.400 điểm cầu cơ sở. Gần 1 triệu đảng viên ở mọi vùng, miền đất nước cùng lúc tham dự hội nghị toàn quốc. Phạm vi kết nối được mở rộng tới mức, bất cứ trụ sở đảng bộ cấp xã nào có internet thì đều có thể truy cập, kết nối với hội nghị. Đây là sự kiện thu hút được số người tham dự đồng thời nhiều nhất từ trước đến nay, mà nếu không có nền tảng số thì ít ai có thể hình dung tổ chức được1. Đây chính là quá trình thử nghiệm cho việc đổi mới tư duy, thay đổi thói quen khá quan trọng cho việc chuyển đổi số một cách bài bản, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra, tổ chức hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể:

Một là, thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những giá trị khoa học, sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn do sự bùng nổ thông tin, sự tấn công mạnh mẽ của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Các nền tảng công nghệ, mạng xã hội mới xuất hiện cho phép tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến, tự do đăng tải, truyền tải thông tin, tự do khâu nối, kết nối - tạo ra một không gian tư tưởng, một kho dữ liệu lớn, một trường thông tin rất phức tạp, không dễ gì giải quyết.

Hai là, thách thức với việc đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cả xã hội và người dân đã thay đổi một cách nhanh chóng với những "công dân toàn cầu", những dạng thức mới trong hoạt động kinh tế như "kinh tế chia sẻ", "kinh tế kỹ thuật số", những "xã hội thông minh"… đã tạo ra những thách thức lớn trong đổi mới tư duy lãnh đạo và hành động ứng phó của Đảng. Cũng không có mô hình ứng xử chung nào trên thế giới có thể áp dụng rộng khắp, mỗi quốc gia có quan điểm và cách thức ứng xử riêng. Trong bối cảnh quản lý nền kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ vẫn đang là thách thức lớn trong đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Ba là, thách thức về yếu tố bảo mật, mức độ tin cậy, khả năng chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị của Đảng. Rất nhiều các thông tin và chủ trương, chính sách của Đảng có tính chiến lược cao. Do đó, một yêu cầu tất yếu đối với lĩnh vực hoạt động này là yếu tố bảo mật và an ninh. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của thông tin với những dữ liệu lớn (Bigdata), điện tử đám mây, trí tuệ nhân tạo… của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn trên phương diện an ninh, an toàn và bảo mật thông tin của Đảng.

Bốn là, nguy cơ tụt hậu về công nghệ của hệ thống các cơ quan Đảng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là công nghệ thông tin và tự động hóa, khi đó nhiều loại công việc trong các cơ quan lãnh đạo, điều hành có thể được thực hiện bởi máy tính và robot. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta còn nhiều bất cập, số lượng lớn cán bộ trong bộ máy cơ quan Đảng, cơ cấu thiếu hợp lý; trình độ, năng lực của nhiều cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là thiếu kỹ năng ứng dụng các công nghệ hiện đại.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ nhất, giúp đổi mới cách thức, quy trình và thời gian soạn thảo, lấy ý kiến, ban hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả. Việc đưa ra quyết sách, chủ trương, nghị quyết của Đảng sẽ là kết quả của sự đồng thuận rộng rãi, góp ý đa chiều, thực chất, đúng trọng tâm, trọng điểm. Quá trình ban hành, học tập, quán triệt sẽ nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả. Sự thảo luận sẽ được tổ chức trực tuyến với số lượng người tham gia lớn hơn, thời gian trao đổi ý kiến sẽ nhiều hơn, thẳng thắn hơn, kiến thức thu hoạch được cũng sâu và sát với thực tế cuộc sống. Do đó, chủ trương, nghị quyết của Đảng sẽ dễ đi vào cuộc sống. Quá trình thực hiện mang tính bài bản, đồng bộ, hiệu quả.

Thứ hai, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả theo nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Với quá trình chuyển đổi số, việc rà soát, hệ thống hóa, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng sẽ toàn diện, hệ thống và nhanh chóng. Việc truy cập, tìm hiểu, thắc mắc và giải đáp trong quá trình thực hiện trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều. Quá trình phản hồi sẽ mang tính hai chiều, nhanh chóng và thuận tiện.

Thứ ba, việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục và đối thoại trong hệ thống chính trị cũng như với người dân sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn. Với các nền tảng trực tuyến và khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin cũng như đối thoại trực tuyến trở nên phổ biến, với số lượng người tiếp cận được nhiều và nhanh, hiệu quả cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Thứ tư, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và giám sát, kiểm tra dễ dàng, nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn rất nhiều. Với các quy trình, công đoạn, kế hoạch, thông tin công khai, cập nhật trên hệ thống, quá trình thực hiện, báo cáo, kiểm tra, giám sát sẽ được tự động cập nhật, khâu nào thiếu, chậm sẽ bị tự động nhắc, ai chịu trách nhiệm được nêu rõ. Kết quả công việc được báo cáo đúng tiến độ, quá trình kiểm tra, giám sát đi vào thực chất công việc, hạn chế bớt sự tiếp xúc trực tiếp dễ gây ra những tiêu cực, phát sinh không cần thiết.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả và sự minh bạch trong công tác cán bộ. Các quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn, thời gian tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ được chuẩn hóa, công khai và cập nhật trên hệ thống. Các ứng viên tham gia thi tuyển cạnh tranh, được đánh giá một cách công bằng, minh bạch theo các tiêu chí rõ ràng, chấm điểm từng phần và công khai kết quả. Cán bộ, đảng viên và người dân đều có thể tiếp cận, tìm hiểu, phản hồi và khiếu nại nếu cần thiết.

Thứ sáu, khuyến khích sự nêu gương, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng. Việc lan tỏa, nêu gương những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt cũng nhanh hơn, rộng rãi hơn và cụ thể hơn. Những mô hình tốt, việc làm hay sẽ được nhân rộng, học tập và chia sẻ nhanh chóng. Những người quan tâm có thể học hỏi cụ thể, chi tiết để áp dụng trong công việc hay địa phương mình. Những diễn đàn, hội, nhóm có cùng chuyên môn, nghiệp vụ hay ý tưởng có thể dễ dàng phối hợp, xây dựng kế hoạch và hợp tác triển khai thực hiện một cách hiệu quả những dự án hay chương trình thiết thực, cụ thể.

Tuy nhiên cùng với những thời cơ hiển hiện như đã phân tích, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang lại những thách thức nhất định đối với phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Một là, tư duy lãnh đạo, phong cách quản lý và cách làm việc của cán bộ, đảng viên còn chậm đổi mới.

+ Lý luận, tư duy về phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm đổi mới. Như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Cách thức, quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành, học tập, thực hiện các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng vẫn gần như không thay đổi sau bao năm đổi mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, các phần mềm quản lý liên thông, liên kết, chia sẻ còn hạn chế. Việc góp ý, phản biện chính sách chưa thực chất. Quá trình kiểm tra, giám sát vẫn theo cách thức truyền thống, rườm rà, phức tạp, tốn kém, ít hiệu quả, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

+ Nhận thức, thói quen, phong cách của cán bộ các cấp, doanh nghiệp và người dân trong cung ứng và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nền tảng số còn chưa theo kịp với những thay đổi của thời cuộc. Có nhiều người ngại tiếp cận với hình thức cung cấp dịch vụ mới, công nghệ mới. Thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc.

+ Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nặng nề, tốn kém. Chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội còn chồng chéo, trùng lắp. Chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương chưa đồng bộ và triệt để. Việc rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Hai là, các tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

+ Sự chống phá của các thế lực thù địch đang âm mưu “diễn biến hòa bình”, các nguy cơ của việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội hay các công nghệ số vào các hoạt động phá hoại, gây rối hoặc tuyên truyền tiêu cực...

+ Những rủi ro về an toàn thông tin, an ninh mạng. Việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, mạng nội bộ, cổng thông tin, các hệ thống phần mềm, công cụ lãnh đạo, điều hành, quản lý, trang mạng của cơ quan, đơn vị… là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần phải có những chính sách, giải pháp công nghệ hiện đại, hiệu quả để bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Những xáo trộn về mặt chính trị - xã hội. Trước hết, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể dẫn đến một sự đột biến chưa từng thấy của các đổi mới kỹ thuật, công nghiệp và xã hội, khiến người ta nghi ngờ về khả năng thích ứng của các cá nhân và tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi robot và tự động hóa chiếm lĩnh môi trường sản xuất, số lượng lao động dư thừa tăng lên, tình trạng thất nghiệp trong xã hội sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với những người lao động có trình độ thấp. Đồng thời, nó cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa những đối tượng cung cấp vốn tài chính và vốn tri thức (các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư) và người lao động, nhất là lao động giản đơn. Cuối cùng, nó làm gia tăng các vấn đề về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự xã hội, an ninh mạng…

Các giải pháp đổi mới tổ chức hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đổi mới tư duy, nhận thức, lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu mới

Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức, năm 2018. 
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại và đổi mới tư duy về phương thức lãnh đạo của Đảng. Vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ của các cơ quan, cá nhân trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức - chính trị cần được làm rõ. Việc xây dựng, quyết định, ban hành và thực thi các đường lối, chủ trương của Đảng; các chính sách, pháp luật của Nhà nước cần được tiến hành một cách thực chất, công khai, minh bạch, mang tính đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân nhiều hơn. Việc kiểm tra, giám sát, phản hồi ý kiến trong hệ thống chính trị cũng như giữa hệ thống chính trị và người dân sẽ nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng và xây dựng lộ trình tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư của cả hệ thống chính trị

+ Hoàn thiện khung thể chế, pháp lý cho việc chuyển đổi số của hệ thống chính trị. Cụ thể như sau:

Thể chế hoá các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Hoàn thiện các chính sách và cách thức quản lý về hạ tầng viễn thông, phát triển hạ tầng số… cũng cần được thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường.

Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể và công khai để cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

Quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng, của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội với nhau. Khắc phục tình trạng lấn sân, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

+ Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tư duy, năng lực, kỹ năng trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần tập trung thúc đẩy mạnh phát triển, tạo sự bứt phá về nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. Cũng cần có chính sách kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ quốc tế và trong nước.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính cần tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số trong các cơ quan Đảng. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn dưới các hình thức, phương thức khác nhau (trực tiếp, trực tuyến, dài hạn, ngắn hạn…) với các nội dung kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng sử dụng cho cán bộ, công chức các cơ quan Đảng sử dụng các ứng dụng trên mạng thông tin diện rộng của Đảng và mạng internet bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới đòi hỏi nhiều kỹ năng mới. Giải pháp trọng tâm là cần đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số trong hệ thống Đảng bằng các cách sau đây: (1) Đảm bảo quy trình tuyển dụng công khai, cạnh tranh, minh bạch; (2) Cung cấp thông tin cho người lao động để họ tham gia ứng tuyển cạnh tranh; (3) Nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và nâng cao tay nghề cũng như những kỹ năng mới cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng.

+ Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin, tiến tới phát triển hạ tầng số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng.

Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh trên thế giới. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, phân tích dữ liệu, blockchain. Hạ tầng số là nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng hạ tầng số đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương. Phải có khung pháp lý cho hạ tầng số (luật về dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân), nền tảng dự liệu và đảm bảo kết nối, an toàn, hiệu quả, không trùng lặp…

Đổi mới tổ chức hoạt động của Đảng

+ Cần phân định rõ chức năng lãnh đạo - cầm quyền của từng cấp ủy đảng, tổ chức đảng gắn hữu cơ với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng trong hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục sự trùng lắp không hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy giữa Đảng và Nhà nước.

+ Nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chuẩn hóa, quy chế hóa, tiêu chí hóa, chế độ hóa về tổ chức, bộ máy và biên chế chung của hệ thống chính trị, đồng thời phù hợp với những nhiệm vụ, đặc điểm và tính chất hoạt động của hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở từng cấp, từng lĩnh vực. Trong mỗi tổ chức, đơn vị, cũng như mỗi vị trí công tác đều phải xác định rõ và đồng bộ theo nguyên tắc “rõ việc - rõ chức năng nhiệm vụ - rõ tổ chức - rõ người - rõ quyền hạn - rõ trách nhiệm - rõ lợi ích”.

+ Phải xây dựng đồng bộ cơ chế, các thiết chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị (kiểm soát quyền lực trong từng hệ thống, nhất là trong Đảng gắn với trong Nhà nước, kiểm soát giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp; kiểm soát từ xã hội…); xây dựng các thiết chế, cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động một cách mạnh mẽ đến tổ chức hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay. Bên cạnh những tác động mang tính tích cực, tạo thời cơ, cuộc cách mạng này cũng tạo ra những thách thức, nan giải đòi hỏi Đảng ta phải có những phương hướng, giải pháp thiết thực để vượt qua những thách thức ấy. Việc nhận diện đầy đủ những tác động của cuộc cách mạng 4.0, từ đó đưa ra những giải pháp thích ứng trong quá trình đổi mới tổ chức hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng thực sự là mang tính thời sự, cấp bách.

Chú thích:

1. Phạm Thị Thanh Trà, Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nguồn: https:// tcnn.vn/news/detail/49679

2.  Trịnh Xuân Thắng (2018), Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến sự phát triển của nền hành chính nhà nước. Tạp chí Tổ chức Nhà nước.

Lê Quang Hòa*, Lê Thạc Diên**

* TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

** ThS, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (TP Hà Nội)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều