Tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước

(Mặt trận) - Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đó là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận; là bước phát triển có ý nghĩa cách mạng trong nhận thức và hành động của Đảng với những chủ trương, đường lối mang tính đột phá. Bài viết nghiên cứu tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (giai đoạn 1986-1996) với những nội dung cốt lõi: đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo đưa đường lối đổi mới Đại hội VI vào cuộc sống, chú trọng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội

Để đẩy nhanh quá trình đổi mới, khắc phục khó khăn, nhiệm vụ cấp bách cần được giải quyết ngay sau Đại hội VI của Đảng là tháo gỡ những ách tắc trong phân phối, lưu thông. Trên cơ sở những định hướng lớn của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội nghị Trung ương 2 (tháng 4/1987) bàn về phân phối lưu thông, Hội nghị Trung ương 3 (tháng 8/1987) bàn về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 3 đã đề ra chủ trương, biện pháp chuyển hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, thực hiện chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Những chủ trương nêu trên đã đặt nền móng cho sự ra đời của cơ chế quản lý mới. Dưới tác động của những chủ trương mới, các ngành kinh tế đều có những bước đổi mới quan trọng về cơ chế quản lý. Trong công nghiệp, việc chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa để thực hiện mục tiêu “bốn giảm” đã được triển khai sâu rộng, đặc biệt là từ sau khi có Quyết định 217/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Trong nông nghiệp, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý hợp tác xã. Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3/1989) chín muồi quan điểm thị trường vừa là đối tượng, vừa là căn cứ của kế hoạch hoá. Từ tư tưởng đột phá đó, Nhà nước quyết định chuyển lương thực sang kinh doanh, xoá bỏ chế độ bao cấp, phân phối lương thực. Đây là mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng của nền kinh tế nước ta. Một thị trường thông suốt trong toàn quốc đã được xác lập, tạo cơ sở quan trọng cho việc định hình cơ chế quản lý mới phù hợp - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (tháng 9/1979) đến Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3/1989) là quá trình tìm tòi những định hướng lớn, đặt nền móng cho việc xác lập cơ chế quản lý mới thay thế cho cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp. Tính đến năm 1989, cơ chế cũ đã bị phá bỏ một cách cơ bản, thay vào đó là sự xác lập từng bước các yếu tố của cơ chế mới - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nước ta. Những chủ trương, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ 1979 đến trước Đại hội VII (năm 1991) đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tổng kết và theo sát yêu cầu của thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) của Đảng chủ trương: Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Đại hội xác định rõ cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Những chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 1991-1995 đạt 8,2%. Tình trạng lạm phát bị đẩy lùi từ 774,7% năm 1986 xuống còn 67,1% năm 1991, 12,7% năm 1995. Đầu tư toàn xã hội bằng nguồn vốn trong nước và ngoài nước so với GDP năm 1990 là 15,8%, năm 1995 là 27,4%2. Trên cơ sở những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996) đánh giá: Đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài 15 năm qua, mặc dù một số mặt còn chưa vững chắc. Như vậy, từ năm 1986 đến năm 1996, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra từng bước theo hướng vừa làm thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung, từng bộ phận của cơ chế cũ bị xóa bỏ, từng bước hình thành cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy mới là những kết quả bước đầu, nhưng việc chuyển đổi cơ chế đã góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đưa đất nước thoát hỏi hủng hoảng, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế giai đoạn sau này.

Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp

Ngay sau Đại hội VI (năm 1986), trong khi tình hình trong nước diễn biến không thuận lợi cho công cuộc đổi mới, tình hình thế giới lại diễn biến rất phức tạp, bất lợi cho việc đi lên chủ nghĩa xã hội, tác động xấu đến tư tưởng của cán bộ và nhân dân ta. Tháng 3/1989, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo trong bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân. Tháng 12/1989, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô quyết định xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trong Hiến pháp và lập ra chế độ tổng thống. Tháng 12/1991, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết tan rã.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhận rõ khả năng tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã nêu ra 5 nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Năm nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng, định hướng nhận thức, tư tưởng thống nhất trong quá trình thực hiện đổi mới, giữ vững ổn định chính trị để đẩy nhanh nhịp độ đổi mới kinh tế. Cùng với đổi mới kinh tế phải từng bước đổi mới chính trị, nhưng không phải là thay đổi chế độ chính trị, không phải là thay đổi mục tiêu chính trị. Chính nhờ đổi mới có nguyên tắc mà chúng ta đã duy trì được ổn định chính trị, giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững được mục tiêu xã hội chủ nghĩa - đây là thành tựu lớn nhất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Tháng 8/1989, Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa VI họp và ra Nghị quyết một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng. Từ tháng 3/1990, Hội nghị Trung ương 8, khóa VI đã thông qua hai Nghị quyết 8A và 8B. Trong Nghị quyết 8A về tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng, lần đầu tiên Đảng xác định: Cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ những khuyết điểm và nhược điểm của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa và sự chậm trễ khi sửa mô hình, làm cho quan hệ sản xuất ngày càng không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nghị quyết 8B về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân đã có những thay đổi lớn so với dự thảo ban đầu là Nghị quyết về tăng cường “công tác dân vận” của Đảng. Vai trò tích cực của quần chúng nhân dân, những nguyên tắc và điều kiện bảo đảm phát huy vai trò của quần chúng; việc tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân được nhấn mạnh.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng xác định đổi mới phải kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh tổng kết cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và nêu ra những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xác định 6 đặc trưng của thời kỳ quá độ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời kỳ quá độ. Con đường đó phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, góp phần củng cố thêm lòng tin cho nhân dân, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được điều chỉnh, bổ sung ngày càng sát hơn với thực tiễn của công cuộc đổi mới, phù hợp với những biến đổi tích cực của thế giới hiện đại.

Đổi mới chính sách đối ngoại, phá thế bao vây, cấm vận

Cùng với việc giữ vững ổn định về chính trị, Đảng chủ trương phá thế bị bao vây, cấm vận. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Quan điểm đối ngoại của Đảng là: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi bên.

Cuối những năm 80, khi Liên Xô lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, không thể tiếp tục viện trợ cho Việt Nam và các nước khác. Đây là một thay đổi lớn đối với Việt Nam, nhất là từ khi Liên Xô tan rã buộc chúng ta phải nhanh chóng có một đường lối đối ngoại phù hợp với tình hình mới. Đường lối này phải xây dựng được mối quan hệ hai chiều, có đi, có lại, hợp tác phát triển, hai bên cùng có lợi. Đảng và Nhà nước chủ trương đề xuất và thực hiện hướng trọng tâm đối ngoại về vấn đề phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ và quan hệ Việt Nam - Asean.

Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã thực hiện chính sách cấm vận Việt Nam, cắt bỏ hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong suốt thời gian cấm vận, Mỹ muốn chúng ta giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (Missing in Action - MIA). Chính sách của Việt Nam: Coi MIA là vấn đề nhân đạo nên chúng ta tích cực hợp tác giải quyết. Từ tháng 11/1985 đến tháng 6/1995, Việt Nam và Mỹ tiến hành 36 đợt khai quật hỗn hợp để tìm kiếm MIA. Dưới sức ép của dư luận, đặc biệt của các doanh nhân Mỹ, ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố trước Nghị viện và các phương tiện thông tin đại chúng xóa bỏ lệnh cấm vận gần 20 năm qua với Việt Nam và đề nghị hai nước trao đổi cơ quan liên lạc. Ngày 11/7/1995, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Đây là một thành công có ý nghĩa trên nhiều phương diện của hai nước.

Với Asean, khai thông quan hệ và hội nhập tổ chức Asean. Từ sau Đại hội VI của Đảng, Việt Nam thực hiện chủ trương đối ngoại chuyển từ trạng thái đối lập giữa hai khối Đông Dương - Asean sang chính sách hữu nghị và hợp tác với Asean. Giải quyết những vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực thông qua thương lượng; mở ra giai đoạn đối thoại, hợp tác và đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình với Asean. Tháng 7/1992 Việt Nam chính thức ký Hiệp ước Bali, trở thành quan sát viên của Asean; tháng 7/1995 Việt Nam được kết nạp vào Asean, đánh dấu sự hội nhập của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á. Đây là bước đi đầu tiên, là cầu nối để Việt Nam hội nhập với toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có được kết quả như trên nguyên nhân chủ yếu là chúng ta có sự đổi mới chính sách đối ngoại. Đảng đề ra đường lối ngoại giao đúng đắn, phù hợp với điều kiện mới. Hoạt động đối ngoại được đánh giá là một trong ba thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới sau thành tựu phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Đến năm 1996, nước ta có quan hệ ngoại giao với trên 160 nước, quan hệ thương mại với hơn 120 nước (trong đó bao gồm cả các cường quốc kinh tế của thế giới). Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ và gia nhập Asean. Điều này chính là minh chứng mạnh mẽ và thuyết phục nhất cho tinh thần độc lập, tự chủ, không xa rời mục tiêu cách mạng trên mặt trận đối ngoại của Đảng.

Chủ động, sáng tạo trong đổi mới văn hóa

Từ năm 1986, trong đường lối của mình, Đảng thể hiện rõ sự đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Văn kiện Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh vị trí của văn hóa nghệ thuật: “Không có hình thức tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tính cách lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”. Ngày 28/11/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05 Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Tháng 6/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về công tác văn hóa, văn nghệ. Ngày 8/6/1989, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 52-CT/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học nghệ thuật. Ngày 21/6/1990, Ban Bí thư ra Chỉ thị 61-CT/TW về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học - nghệ thuật hiện nay. Ngày 25/7/1990, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 63-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản. Sự đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của văn hóa đã được thể chế trong các văn bản của Nhà nước. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể chế sự đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của văn hóa.

Thực hiện chủ trương của Đảng trong đổi mới văn hóa, những tư tưởng thụ động, ỷ lại của thời bao cấp được khắc phục, thay thế bằng sự năng động, sáng tạo, chủ động vươn lên của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân. Trong những năm đổi mới, trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp, hầu hết các xã trong cả nước kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã có trường, lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Hầu hết các huyện có trường phổ thông trung học. Việc chống mù chữ và tái mù chữ đạt hiệu quả; chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai mạnh mẽ trong cả nước. “Có 16 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 tỉnh miền núi, 57% số huyện, 76% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học”. So với năm học 1991-1992, trong năm học 1995-1996, số học sinh tăng 1,25 lần, sinh viên đại học tăng 2,7 lần”3. Sinh viên đại học và cao đẳng tăng 21%. Đào tạo sau đại học và trên đại học được chú trọng. Chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh khá giỏi, số học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế ngày càng tăng. Trong giáo dục - đào tạo đã xuất hiện một số nhân tố mới. Thấm nhuần tư tưởng “ai ai cũng được học và học suốt đời”, ở nhiều nơi đã hình thành phong trào học tập sôi nổi của cán bộ và nhân dân, nhất là thanh niên. Các loại hình trường lớp từ phổ thông đến đại học đa dạng và phong phú: quốc lập, dân lập, tại chức, mở rộng, giáo dục từ xa… đã tạo cơ hội học tập cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đạt được kết quả đó là do đường lối giáo dục - đào tạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước; truyền thống hiếu học của nhân dân. Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện cho mọi người dân đều được học tập. Tất cả những việc làm và kết quả trong giáo dục đào tạo ở trên đều hướng tới thực hiện mục tiêu chiến lược con người. Trong những năm đầu đổi mới, những thành tựu về văn hóa đã thực sự góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo; vừa tạo ra động lực chính trị, tinh thần của toàn xã hội, vừa khôi phục lại đạo đức, lối sống của người Việt Nam, vừa tăng cường củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chủ nghĩa xã hội.

Chủ động, sáng tạo trong xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc

Cùng với những chủ trương đổi mới có tính chất bứt phá về kinh tế - xã hội của Đại hội VI của Đảng, nhiều chủ trương đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng cũng ra đời, đáp ứng kịp thời với những thay đổi của tình hình, của những bước phát triển mới của nền kinh tế - xã hội và ngoại giao.

Định hướng cho sự phát triển của đất nước khi chuyển sang đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định rõ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”4. Chủ trương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được xác định một cách cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng đất nước: chúng ta phải thấu suốt quan điểm “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hệ thống chuyên chính vô sản trong việc đẩy mạnh xây dựng hậu phương toàn diện được coi là nhiệm vụ có tính chiến lược trong thời kỳ mới.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI và Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự và quốc phòng trong những năm từ 1986 đến 1990 đã có những đổi mới quan trọng. Thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, công tác quốc phòng đã có nhiều điều chỉnh chiến lược lớn, thực hiện bố trí lại lực lượng trên phạm vi toàn quốc, tạo ra thế trận phòng thủ hợp lý, tăng cường khả năng phòng thủ ở những khu vực trọng điểm, từng bước xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) xác định những định hướng lớn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điểm mới của Đại hội VII là trong khi quan tâm đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên bình diện rộng, trên toàn bộ lãnh thổ, để chủ động bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống, Đảng ta còn nhấn mạnh tới việc xây dựng các khu phòng thủ ở các địa phương: “Đẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận quốc phòng toàn dân, có khả năng ngăn chặn, đập tan các âm mưu và hành động phản cách mạng tại địa phương và tích cực chiến đấu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống”5.

Trong tình hình mới, Đảng ta nhấn mạnh tới nhiệm vụ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và lực lượng quốc phòng, đảm bảo quân đội luôn là lực lượng trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, chủ động trong mọi tình huống để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước. Lĩnh vực quốc phòng an ninh đã đạt được thành tựu to lớn, giữ vững được ổn định chính trị, độc lập chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho công cuộc đổi mới toàn diện, góp phần đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chiến lược quốc phòng và an ninh tiếp tục được điều chỉnh. Các nhu cầu củng cố quốc phòng, đời sống lực lượng vũ trang từng bước được cải thiện. Thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố, chất lượng và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao.

Mười năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1996), con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xác định ngày càng rõ hơn chứng tỏ đường lối đổi mới là đúng đắn, có tính độc lập, tự chủ, sáng tạo. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới với những hình thức và bước đi phù hợp, lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới ngày một tăng thêm; vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản, của dân tộc Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Nguyễn Thị Thu Hà

TS,Học viện Chính trị Khu vực I

Chú thích:

1. rần Nhâm (Chủ biên): Có một Việt Nam như thế, đổi mới và phát triển kinh tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.73.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.10.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.20-21.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.37-38.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.85.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều