Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế ​

(Mặt trận) - Sáng 27/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị "hòa tan" trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với nước ta.

Tham luận tại Hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá cho doanh nghiệp Việt.

Việc tăng cường hợp tác thương mại, giao thương giữa các địa phương đã góp phần tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết, tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, phân phối rộng khắp. Chuỗi cung ứng "hàng bình ổn thị trường" được phát triển rộng khắp với trên 11.000 điểm bán hàng bình ổn trên toàn quốc, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm soát tốt lạm phát tại thị trường trong nước.

Đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến  năm 2020" được Bộ Công thương triển khai đem lại hiệu quả kinh tế lớn, với 24 mô hình cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản tại 12 thành phố trực thuộc Trung ương.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai gắn liền với việc phát triển thị trường trong nước. Hoạt động này đã góp phần nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị lên đến 70%, đặc biệt một số siêu thị như Big C, Co.opMart có tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.

Việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài cũng được tập trung đẩy mạnh. Hoạt động này giúp các doanh nghiệp tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu tại các hệ thống phân phối nước ngoài. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 170 cơ sở bán lẻ các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là các đối tác quan trọng và đầy tiềm năng trong hoạt động kết nối các nhà sản xuất, dịch vụ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu.                                                       

Cùng tham luận tại Hội thảo, đại diện Big C Thăng Long cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm vùng miền và thương hiệu Việt như: Xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Thái Lan, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên trong hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, phối hợp với Bộ Công thương tổ chức "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan"...

Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, Big C nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn yếu về xây dựng thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo

Khẳng định tầm quan trọng cũng như hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau 8 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam.

Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên, công nghệ mới được đầu tư, chất lượng sản phẩm tăng cao, giá thành phù hợp với người tiêu dùng.

Thời gian qua, MTTQ Việt Nam thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát động các doanh nghiệp tích cực phát huy các sáng kiến, cải tiến quy trình sản xuất, công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…

Phát triển thương hiệu là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp Việt chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển và quảng bá thương hiệu Việt, làm cho thương hiệu Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phương Hà

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều