Đẩy mạnh truyền thông góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi

(Mặt trận) - Công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trong tình hình mới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tăng cường công tác tuyên truyền vận động phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ea Trol xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: NGỌC DUNG 
Những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã triển khai Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình với mục tiêu triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực và truyền thông Chương trình. Mục tiêu quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là đến đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, vì lợi ích của đồng bào DTTS.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn số 92/HD-MTTW-BTT về công tác tuyên truyền giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Công tác tuyên truyền tập trung vào phổ biến các nội dung của Chương trình, bản sắc văn hóa tốt đẹp của DTTS, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc triển khai thực hiện, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên...

Các hình thức tuyên truyền được đẩy mạnh qua tuyên truyền miệng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm của các cơ quan, tổ chức; hoạt động của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, người có uy tín tiêu biểu; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hình thức sân khấu hóa; phát thanh truyền hình, phim ảnh...

Hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, tỉnh Sơn La đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào; đồng thời giúp đồng bào nắm được quyền lợi của mình, vừa góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG.

Qua những buổi tuyên truyền đến tận bản của các đơn vị chức năng tại huyện Sốp Cộp, người dân được trực tiếp nghe, giải đáp về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa. Qua đó, họ càng hiểu và thêm tin tưởng vào Đảng và các cấp chính quyền; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương về mô hình, cách làm cũng như việc quảng bá thương hiệu, người dân càng tích cực tham gia lao động sản xuất, từ đó có nhiều mô hình điển hình về phát triển kinh tế.

Tại tỉnh Bình Định, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại nhà rông của thôn. Hơn 1.255 đồng bào DTTS đã tham gia hội nghị. Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 2.2.2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)”; Quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Thực trạng, hệ lụy, nguyên nhân, giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cân huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh…

Ngoài ra, việc cung cấp các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã có những tác động tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu, tăng cường đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch. 

Minh Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều