Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng trên Cao nguyên đá Đồng Văn

(Mặt trận) - Cao nguyên đá Đồng Văn hay còn gọi là Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện công tác bảo tồn các giá trị di sản địa chất, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc để xây dựng trở thành sản phẩm du lịch. Phát triển của ngành du lịch đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại ấm no cho cuộc sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Xuân về trên Cao nguyên đá (Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn).
ẢNH: PV 
Nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú thiêng liêng của Tổ quốc, Lô Lô Chải là một trong 9 thôn của xã Lũng Cú nằm cách trung tâm Ủy ban nhân dân xã gần 1 km, cách trung tâm huyện Đồng Văn 25km. Phía Nam giáp với thôn Thèn Pả, Xín Mần Kha; Phía Tây giáp với thôn Thèn Ván; Phía Đông, phía Bắc giáp với thôn Séo Lủng xã Lũng Cú. Đặc thù của xã Lũng Cú nói chung và thôn Lô Lô Chải nói riêng đều là những cư dân làm nghề thuần nông trồng ngô trên nương rẫy. Tổng số hộ trong thôn là 114 hộ, 510 khẩu, trong đó dân tộc Lô Lô là 104 hộ, dân tộc Mông 10 hộ. Toàn thôn có tổng số 22 cơ sở lưu trú homestay, trong đó có 12 cơ sở ăn uống kèm dịch vụ homestay, tương lai sẽ còn tiếp tục phát triển thêm một số hộ trong kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay. Hiện nay trong làng đã có các hộ kinh doanh hàng tạp hóa. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, quán karaoke và cơ sở lưu trú homestay… mới bắt đầu hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua, các hoạt động của thôn vẫn theo những nét văn hóa truyền thống của tộc người Lô Lô.

Với thiên nhiên cảnh quan kỳ vĩ, con người thân thiện, văn hóa  phong phú khác lạ với các Lễ cúng tổ tiên, các điệu múa có trống đồng đệm tiết tấu,  những làn điệu dân ca mượt mà, từng đường kim mũi chỉ thêu dệt những hoa văn đặc sắc trên các trang phục truyền thống... tạo cho Lô Lô Chải bản sắc văn hóa truyền thống riêng biệt, sống động và thân thiện không nơi đâu có được.

Sự bảo tồn di sản văn hóa  Lô Lô Chải xã Lũng Cú 

Sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, với nhiều đặc điểm nổi trội về kinh tế - xã hội của Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ngày 12/8/2022, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn đã công bố Quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” xã Lũng Cú và công nhận thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đạt các tiêu chí xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.  Gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” và xây dựng “Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cũng đã có sự chỉ đạo với các quyết định có hiệu lực từ các cấp, các ngành là rất quan trọng. Song, ý thức từ những người dân sở tại vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất của sự tồn tại và phát triển.

Đây là một chủ trương đúng đắn phù hợp với xu hướng của thời đại và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão trên toàn cầu. Để tránh nguy cơ tụt hậu về các mặt kinh tế - xã hội, các nhà quản lý, các nhà văn hóa, ngoài việc nắm vững các điều kiện địa lý, môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh... còn phải nắm vững đặc điểm tộc người, văn hóa tộc người và tâm lý tộc người trong sự phát triển chung. Trước đây, với khẩu hiệu “đưa văn hóa xuống cơ sở” tương đối áp đặt rất khó phát triển được văn hóa cơ sở. Căn cứ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện về xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang, Hướng dẫn số 1397/SVHTTDL-QLDL ngày 4/10/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hướng dẫn quy trình tạm thời thực hiện công nhận “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, Ủy ban nhân  dân xã Lũng Cú, đặc biệt là Nhân dân trong thôn Lô Lô Chải đã chọn cho mình một hướng đi mới phù hợp với quy luật của bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ khách du lịch thập phương, phát triển kinh tế.

Tính cộng cư của đồng bào các dân tộc ở đây đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội, văn hóa dân tộc. Các tộc người sống gần nhau qua những cuộc hôn nhân, xóa được những ngăn cách của chế độ ngoại hôn, việc trao đổi tình cảm lẫn nhau trở nên khăng khít, tạo tiền đề thuận lợi cho những giao thoa văn hóa, tiếp kiến văn hóa. Xóa bỏ được những ngăn cách của các tục lệ gây kỳ thị không đáng có từ trong các ứng xử văn hóa. Trong quá trình phát triển vẫn còn xảy ra những hiện tượng làm mai một truyền thống văn hóa dân tộc hoặc lai căng đang có xu hướng gia tăng. Cùng chung sống với nhau, việc giúp đỡ nhau về những kinh nghiệm trong sản xuất, tương trợ lẫn nhau làm phong phú thêm chất lượng cuộc sống của mỗi tộc người để đem lại lợi ích chung cho sự phát triển toàn diện. Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số cũng đã gây nên một số mặc cảm ở các dân tộc ít người, văn hóa là sự bình đẳng trong sự phát triển chung, không thể tính bằng số lượng nhiều hay ít và cũng không vì là thiểu số mà có sự mặc cảm bị chèn ép. Những điều này cần được khắc phục từ trong tư tưởng chỉ đạo, tất cả vì mục tiêu phát triển của con người, vì phát triển của cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc.

Phát triển làng du lịch văn hóa cộng đồng Lô Lô Chải theo chủ trương của Đảng

Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; nội dung tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của các thôn, việc này cần đưa ra thảo luận trong các hội nghị, cuộc họp của xã, của thôn.

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch dành thời lượng tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, trong đó có dân tộc Lô Lô; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc ý thức được giá trị, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống.

Tuyên truyền thực hiện Đề án “Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn. Giới thiệu về các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số một cách thường xuyên.

Các ngành chuyên môn tuyên truyền, quảng bá các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy các tiềm năng thế mạnh về du lịch - dịch vụ của thôn Lô Lô Chải; đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch huyện Đồng Văn nói chung và làng văn hóa du lịch cộng đồng nói riêng với bạn bè trong nước và quốc tế. Công tác tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và đưa văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn xã, thu hút học sinh tham gia, giao lưu ở tất cả các cấp học. Tổ chức các trò chơi dân gian múa hát truyền thống cho học sinh theo định kỳ.

Phát huy vai trò của Hội nghệ nhân dân gian thực hiện quy ước, hương ước của thôn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm du lịch Lô Lô Chải... Duy trì và đưa các nội dung về văn hóa gắn với phát triển du lịch vào các chuyên trang, chuyên mục, trang thông tin điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình của huyện.

Tiếp tục phát huy, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen”

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào Lô Lô ở xã Lũng Cú đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Lô Lô là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí trên trang phục. Trong đó, nghệ thuật trang trí quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục và rộng hơn là trong nghệ thuật văn hóa tộc người.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Lô Lô ở đây có từ lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. Trang phục ra đời trước hết là để bảo vệ cơ thể chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh, như: khí hậu, cảnh quan, các con vật... cùng với đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ đời sống thực và đời sống tâm linh của con người Lô Lô đã chắt chiu, chọn lọc qua nhiều thế hệ.

Sự cảm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, từ trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, thôn bản; người Lô Lô đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí đầy tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mĩ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất thẩm mỹ nguyên sơ, phong phú với nhiều thể loại.

Trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô cầu kỳ từ cắt, khâu đến hoa văn, cách tạo hình và đặc biệt là màu sắc trang trí, nhất thiết phải có đủ màu cơ bản: Xanh, đỏ, tím, trắng, vàng, xanh, chàm hoặc đen, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào. Sáng tạo ra cái đẹp - nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô đen là người phụ nữ, đồng thời họ cũng là chủ thể gìn giữ và trao truyền tinh hoa của dân tộc cho các thế hệ tiếp theo. Với quan niệm: Trang phục là tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng, vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ. Vì vậy, ngay từ khi lên 10 tuổi hoặc 12 tuổi, các em gái Lô Lô đã được các bà, các mẹ chỉ dạy cho cách kéo sợi, dệt vải, cắt may và thêu thùa. Nghệ thuật trang trí trên trang phục giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng người Lô Lô, là cầu nối, là phương tiện chuyển giao, là mối giao cảm trao truyền giữa các thế hệ, là “văn bản” lưu giữ hết sức chân thực và bền vững những khía cạnh cuộc sống từ đời này sang đời khác. Người Lô Lô ở Lũng Cú bao đời nay luôn tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình. Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, hàng hóa ngoại lai xâm nhập hoa văn màu sắc rực rỡ, nhưng phụ nữ Lô Lô vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Qua đó, trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng, linh thiêng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng và cấu thành nền văn hóa Lô Lô rất riêng biệt.

Xây dựng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng

Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa thôn phục vụ sinh hoạt và tổ chức văn hóa văn nghệ, môi trường (hệ thống xử lý rác thải), hệ thống đèn chiếu sáng (năng lượng mặt trời), tu sửa nhà ở truyền thống phù hợp với kiến trúc địa phương, đầu tư hệ thống loa Intenet không dây phục vụ công tác tuyên truyền, trồng cây tạo cảnh quan…

Năm 2015, Tập đoàn Bảo Việt hỗ trợ xây dựng một nhà văn hóa thôn theo kiểu kiến trúc truyền thống của dân tộc: Mái lợp ngói âm dương, tường bằng đá xanh, cột gỗ... là nơi đón tiếp khách tham quan tại làng. Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng còn là nơi đón tiếp phục vụ khách thăm quan và trưng bày các nhạc cụ, trang phục dân tộc, sản phẩm thêu dệt và các loại công cụ lao động sản xuất mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, các sản phẩm nông sản địa phương thường được trưng bày vào các dịp tổ chức các sự kiện quan trọng trên địa bàn toàn xã. Có sân hoạt động thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Đồng thời, các hoạt động thường niên hàng năm thường được tổ chức tại sân nhà văn hóa như: Lễ hội lễ cúng tổ tiên, văn hóa văn nghệ dịp Tết Nguyên đán, tổ chức ngày hội khu dân cư, cưới xin. 

Làng nghề thêu, dệt thổ cẩm trang phục dân tộc Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải được thành lập và công nhận tại Quyết định số 1682/QĐ-UBND ngày 22/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, hiện nay còn duy trì hoạt động, cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch như: Khăn, túi, vỏ ga, vỏ gối, vỏ chăn …

Hiện nay trong thôn có 28 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay; có 1 nhà hàng phục vụ ăn uống; 1 hộ nhà cổ kinh doanh cà phê, nước uống đáp ứng phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách. Hầu hết các ngôi nhà kinh doanh dịch vụ du lịch đều giữ nguyên được kiến trúc nhà ở truyền thống và được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống (tường rào bằng đá, cột nhà bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, trình tường nhà bằng đất hoặc sơn màu tương đồng với màu đất).

Hệ thống biển bảng, sơ đồ chỉ dẫn các điểm du lịch đặt tại sân trụ sở nhà văn hóa thôn thuận lợi cho du khách tìm hiểu thông tin cơ bản khi tham quan làng gồm: Biển IP thuyết minh tóm tắt về làng; biển IP trích lục bản đồ làng Lô Lô Chải; có sơ đồ liên kết với các điểm du lịch khác trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hình thành chặng tuyến sản phẩm du lịch. Cổng làng được lắp đặt bằng hai thứ tiếng (Việt - Anh). Có bảng thông tin hướng dẫn tổng quát về làng (biển IP đặt tại ngay cổng làng). Có các biển hiệu hướng dẫn đầy đủ đối với khách tới nhà dân, có phòng cho khách du lịch thuê bằng hai thứ tiếng Anh - Việt.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và đưa văn nghệ dân gian và lễ hội trở thành một sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch được quan tâm như: Tổ chức nhiều hoạt động tái hiện lại Lễ cúng tổ tiên nhân dịp các ngày lễ tết, mở lớp truyền dạy về phong tục (thầy cúng); truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ và duy trì 1 đội văn nghệ dân gian quần chúng gồm các nghệ nhân biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương và phục vụ khách tham quan du lịch, thành lập Hợp tác xã Lô Lô Chải chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng truyền thống của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú tạo thu nhập cho người dân và thu hút khách du lịch tham quan.

Năm 2020, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã được công nhận thôn đạt chuẩn Nông thôn mới. Là làng hoàn thành tiêu chí sản phẩm: Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ) được Hội đồng phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá đạt từ  3 sao trở lên được công nhận tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 5/1/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Lò Giàng Páo

Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều