Chuyển đổi số ở huyện Võ Nhai

Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, với trên 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để tăng năng suất lao động, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững, huyện Võ Nhai đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật số trong vùng đồng bào DTTS.

 Toàn cảnh Ngày hội Chuyển đổi số huyện Võ Nhai

Thời gian qua, huyện đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của huyện, xã; chú trọng phát triển hệ thống truyền thanh cấp xã, giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về CĐS tại các hội nghị, thông qua hệ thống truyền thanh (bản tin), cổng thông tin điện tử (chuyên mục CĐS), trang thông tin điện tử, mạng xã hội; hỗ trợ về trang thiết bị nhằm phục vụ các xóm, bản khó khăn trong công tác CĐS; tổ chức hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đã có internet cáp quang; 92% các xóm, bản có sóng 3G, 4G; 89% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn được trang bị máy tính để làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết công việc cho người dân; 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học công nghệ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai...; tài liệu in giấy phục vụ các cuộc họp, hội nghị đã được thay thế bằng tài liệu điện tử và trực tuyến qua một ứng dụng chạy trên nền web, dễ tiếp cận.

Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và công dân trên địa bàn, góp phần xây dựng xã hội số, thúc đẩy giá trị kinh tế số trong tiến trình CĐS của các cơ quan, đơn vị, địa phương; hình thành thói quen quản lý tài chính cá nhân dựa trên CĐS và thanh toán không dùng tiền mặt; kỹ năng kinh doanh số, thúc đẩy phát triển kinh tế số của từng cá nhân, hộ gia đình qua việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử, ngày 05/10/2023, UBND huyện phối hợp với Công ty cổ phần MISA; Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Võ Nhai tổ chức “Ngày hội chuyển đổi số huyện Võ Nhai năm 2023”.

Việc CĐS tại nhiều địa phương của huyện Võ Nhai được thực hiện đồng bộ do xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài với ba trụ cột: chính quyền số (hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của CNTT), kinh tế số (mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, có thể tiếp cận cả thế giới), xã hội số (giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống). Xã Sảng Mộc là một trong những xã khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh (thuộc vùng sâu nhất của Võ Nhai, cách trung tâm huyện tới gần 60km). Dân số gần 3.000 người (98% là đồng bào các DTTS), với hơn 700 hộ. Trước đây, xã Sảng Mộc còn rất nhiều khó khăn về hạ tầng số do địa hình xa trung tâm huyện, đường truyền Internet kém (đã xuống cấp, lắp đặt từ lâu), các xóm hầu như không có sóng di động, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của người dân còn thấp, hạ tầng viễn thông, CNTT chưa đồng bộ. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp thông qua các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư phát triển hạ tầng số. Đến nay, xã đã có hàng chục km cáp quang được đầu tư để mở rộng độ phủ sóng Internet (Trong đó, xã được triển khai 8 km đường truyền cáp quang từ Trạm VNPT Thái Nguyên tại UBND xã đến Điểm trường Tiên Sơn, cung cấp Internet miễn phí cho điểm trường và các xóm Phú Cốc, Nà Ka, Khuổi Mèo...); 8/8 xóm tại xã Sảng Mộc đã được kết nối Internet băng thông rộng (5/8 xóm được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng di động: 3G, 4G); tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 70%; 100% cán bộ, công chức cấp xã đều có máy tính kết nối mạng Internet phục vụ giải quyết công việc; 12% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông mình đạt 65%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Intrenet băng rộng cáp quang là 10%; 25 máy tính kết nối Internet băng thông rộng cho các cơ quan, đơn vị, UBND xã (không tính các cơ quan trường học, trạm y tế)...

Tại cơ quan UBND xã Sảng Mộc được trang bị 1 đường truyền số liệu chuyên dùng, 1 đường truyền kết nối hội nghị trực tuyến; 100% văn bản được gửi - nhận trên hệ thống quản lý văn bản; 100% cán bộ đã sử dụng chữ ký số. Các hệ thống thông tin nền tảng, dùng chung của tỉnh, như: Quản lý văn bản và điều hành, dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ… được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Lắp đặt, vận hành 5 hệ thống loa truyền thanh thông minh từ UBND xã và các xóm: Nà Lay, Bản Chương, Tiên Sơn, Khuổi Uốn và trang bị máy tính thế hệ mới vận hành hệ thống loa thông minh, kết nối với cơ quan truyền thông của huyện Võ Nhai. Trạm Y tế xã Sảng Mộc được được triển khai lắp đặt thiết bị hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth) vận hành hiệu quả, góp phần thiết thực phục vụ công tác của cán bộ và đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi.

Xã Cúc Đường là một xã miền núi khó khăn của huyện Võ Nhai (nằm cách xa trung tâm huyện Võ Nhai gần 30km). Thực hiện CĐS, hiện nay đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt tại trung tâm xã; 5/5 xóm của xã được phủ sóng mạng 4G; hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt tại trụ sở UBND xã và tại các nhà văn hóa xóm. Cùng với đó, xã đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; các tổ chức, cá nhân rất thuận lợi trong thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR; loại bỏ dần xử lý công việc bằng văn bản giấy sang xử lý công việc trên môi trường điện tử; người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện được chăm sóc sức khỏe qua nền tảng khám bệnh từ xa; Internet giúp học sinh trong xã tiếp cận với thế giới thông tin qua các bài giảng trực tuyến; dịch vụ truyền hình Internet phát triển phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, giải trí của bà con và nhiều tiện ích khác mà CĐS mang lại.

Có thể nói, khai thác sức mạnh kết nối từ quá trình CĐS trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những thành công của huyện Võ Nhai nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. CĐS giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các địa bàn trong toàn tỉnh, nâng cáo chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh CĐS vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND (31/8/2023) về thực hiện Đề án CĐS và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh (Chương trình). Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đổi mới phương pháp, CĐS trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp...

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp thông tin về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai qua môi trường mạng; 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc kế hoạch được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, địa phương phấn đấu: 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh…); cơ quan thường trực Chương trình cấp tỉnh, UBND các huyện thực hiện chương trình được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến; 100% người có uy tín, đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường, thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án.

                                                                                   Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều