Lạng Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Cùng với việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao  chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí giúp đồng bào DTTS và miền núi có cơ hội tiếp cận bình đẳng, từng bước nâng cao đời sống.
Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS ở Lạng Sơn ngày càng được nâng cao

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS là một trong những nội dung Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) đã và đang được triển khai tại tỉnh Lạng Sơn. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thuộc Chương trình, ngày 08/3/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về Thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Trong đó nêu rõ những chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cho Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án này gồm 4 tiểu dự án: Tiểu dự án 1: đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; Tiểu dự án 2: bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; Tiểu dự án 3: dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi và Tiểu dự án 4: đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.

Trong năm qua, 100% trường PTDTNT trung học cơ sở đã được chuyển đổi thành trường PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông. Điều này không chỉ mở rộng cơ hội học tập cho học sinh DTTS mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông toàn diện.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đến việc cung cấp chỗ ở cho học sinh, với 93% nhu cầu chỗ ở cho học sinh dân tộc nội trú đã được đáp ứng, cùng với 35% chỗ ở cho học sinh bán trú. Điều này không chỉ cải thiện điều kiện sống và học tập của học sinh mà còn góp phần giảm thiểu các trở ngại về địa lý và kinh tế cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa.

Về mặt phổ cập giáo dục, tỉnh Lạng Sơn đã đạt tỷ lệ 91,0% số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,8%, học sinh tiểu học đạt 100%, và học sinh trung học cơ sở đạt 99,0%. Đây là kết quả đáng tự hào, phản ánh sự cam kết của tỉnh trong việc đảm bảo quyền được học tập cho mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em ở vùng DTTS và miền núi.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các thầy giáo, cô giáo, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh Lạng Sơn nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạng lưới, quy mô trường, lớp học từng bước được sắp xếp hợp lý bảo đảm công tác giáo dục toàn diện; tăng cường hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học cho học sinh. Chất lượng giáo dục dân tộc được duy trì ổn định. Học sinh hoàn thành chương trình mầm non đạt tỷ lệ hơn 99%; kết quả xếp loại học lực khá, giỏi cấp THCS đạt 65,1%, cấp THPT là 66,6%. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 670 trường học, trong đó hệ thống trường chuyên biệt được củng cố và mở rộng với 108 trường, gồm 97 trường PTDTBT, 11 trường PTDTNT. Ðối với giáo dục vùng khó khăn, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tỉnh Lạng Sơn có tám trường cấp THCS vừa được đầu tư, hỗ trợ xây dựng phòng học, phòng học bộ môn, phòng thư viện, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, nhà bếp; cung cấp thiết bị, sách tham khảo, tài liệu giáo dục địa phương. Ðến nay, các công trình giáo dục vùng khó khăn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp các trường có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy và thu hút học sinh đến trường.

Hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT của tỉnh được đặc biệt quan tâm

Ngoài ra, công tác xóa mù chữ cũng được tỉnh Lạng Sơn triển khai đạt hiệu quả bền vững, lâu dài bằng các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xóa mù chữ. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 500 cán bộ, giáo viên về thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 và Tổ chức các Hội thi tuyên truyền viên xóa mù chữ giỏi nhờ đó đã cải thiện rất lớn tới sự phát triển đời sống kinh tế xã hội vùng DTTS.

Trong năm 2023, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị trên địa bàn. Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời hoạt động xóa mù chữ còn huy động được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, nguồn lực để xóa mù chữ cho người dân. Phấn đấu duy trì 197/200 xã; 11/11 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều