An Giang đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Tại tỉnh An Giang, công tác xóa mù chữ đã và đang là một trong những trọng tâm quan trọng nhằm nâng cao trình độ dân trí, tiến tới cải thiện chất lượng sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh. Những năm gần đây, thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), An Giang đã thu được những kết quả tích cực trong nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào DTTS.
An Giang mở nhiều lớp xóa mù chữ cho đồng bào DTTS

Ngày 27/10/2022, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 2620/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình tỉnh An Giang giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Theo đó mục tiêu của Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, được tỉnh đặt ra là củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Đối tượng tham gia công tác xóa mù chữ bao gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, trụ trì, sư, tăng, ni tại các chùa, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các đối tượng khác) ở vùng đồng bào DTTS.

Về nội dung thực hiện, tỉnh An Giang xác định cần: Xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xoá mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xoá mù chữ, dạy học xoá mù chữ; Bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền; Hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ và Hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 19.406/58.443 người DTTS mù chữ, trong đó nhiều nhất ở 2 huyện, thị xã miền núi Tri Tôn (9.573 người) và Tịnh Biên (8.655 người). Thực hiện Tiểu dự án 1, đến nay, An Giang đã mở được 21 lớp xóa mù chữ dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, với 429 học viên dự học. Theo kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, An Giang có 5 huyện, thị xã triển khai thực hiện, gồm: Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tân Châu; dự kiến số lớp và số học viên sẽ tiếp tục tăng sau khi các địa phương tăng cường công tác phối hợp vận động bà con ra lớp.

Tháng 8 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung đối với công tác xóa mù chữ dành cho cán bộ quản lý và giáo viên các xã thuộc vùng DTTS và miền núi tỉnh An Giang. Tham dự Hội nghị có 62 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên và người tham gia công tác xóa mù chữ đến từ 16 xã, thị trấn của 5 huyện, thị xã thuộc vùng DTTS và miền núi gồm Thoại Sơn, An Phú, Tri Tôn, Tân Châu, Tịnh Biên. Hội nghị triển khai các nội dung quan trọng trong thực hiện công tác xóa mù chữ, Quy định về đánh giá học viên Chương trình xóa mù chữ; về hồ sơ sổ sách chuyên môn như Kế hoạch dạy học chương trình xóa mù chữ; Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi đầu bài, Học bạ, Bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục, Danh sách học viên được công nhận biết chữ theo các mức độ (đối với các lớp xóa mù chữ ở cuối giai đoạn 1 và 2).

 

Tỉnh An Giang tích cực mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ đồng bào dân tộc Chăm trên toàn huyện An Phú chưa biết chữ là 987/4.134 người, chiếm tỷ lệ 23,87%, trong đó, riêng xã Nhơn Hội có 547/921 người chiếm tỷ 59,39%. Triển khai thực hiện Chương trình, mới đây xã Nhơn Hội đã mở lớp xóa mù chữ cho 76 học viên là đồng bào dân tộc Chăm. Các học viên trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi sẽ tham dự lớp học tại các Thánh đường và Tiểu Thánh đường trên địa bàn, thời gian học từ 16 giờ - 19 giờ hằng ngày.

Tại huyện Tri Tôn, qua vận động, có 105 người DTTS Khmer từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ, sinh sống ở 2 xã Ô Lâm và An Tức đăng ký dự học. Trong đó, xã Ô Lâm có 70 học viên, xã An Tức 35 học viên.

Trong năm 2023, toàn xã An Cư, huyện Tịnh Biên mở 4 lớp tại 4 điểm trường trên địa bàn 6 ấp, huy động khoảng 60 học viên trong độ tuổi từ 15 đến 60, để phổ cập xóa mù chữ bậc tiểu học và hướng đến phổ cập xóa mù chữ bậc trung học cơ sở, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tạo cơ hội học tập cho thanh thiếu niên và người lớn tuổi được đi học hoặc bỏ học ở tiểu học giữa chừng để đạt trình độ tiểu học. Qua đó, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, giúp đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tăng khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc tổ chức các lớp xóa mù cho người DTTS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, nâng tỷ lệ người dân tộc biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tuổi, qua đó góp phần tạo cơ hội cho người dân nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều