Chuyển đổi số, tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản vùng đồng bào dân tộc

(Mặt trận) - Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hoạt động quản lý, kinh doanh, điều hành hoạt động sản xuất. Đồng thời, khai thác các mạng xã hội Facebook, Zalo,... quảng bá tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp đồng bào DTTS khai thác tiềm năng, lợi thế, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, đa dạng hóa sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Vải thiều Lục Ngạn          

Trên địa bàn tỉnh hiện có 257.000 người DTTS (chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh), với 45 DTTS cùng sinh sống (Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Hoa...). Đồng bào DTTS tập trung nhiều ở các huyện: Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam và Lục Ngạn. Ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh, hiện có hơn 140 HTX, với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Trong đó có gần 60 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn (theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh). Hoạt động của các HTX tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các khâu, nhất là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 05/07/2023 về việc thực hiện Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình. Trong Chương trình, tỉnh dành gần 110 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, tại vùng đồng bào DTTS, người dân, thành viên HTX đã tiếp cận công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn; na, dứa Lục Nam… Ngoài ra, tỉnh rất quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Bắc Giang là tỉnh được đứng trong top đầu cả nước, bảo hộ các quyền về sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: Gà đồi Yên Thế, rau Yên Dũng, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên...

Thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao (Lục Ngạn) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS Sán chí và Nùng. Các hộ dân trong thôn tập trung phát triển cây ăn quả, trồng tre bát độ nhằm khai thác lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng. Tuy nhiên tuyến đường đất dẫn vào thôn gồ ghề, đi lại khó khăn do xa trung tâm nên mỗi khi đến mùa thu hoạch, các hộ tự thu hoạch rồi chở đi tiêu thụ, giá bán thấp. Cuối năm 2019, được chính quyền địa phương hỗ trợ, HTX Dịch vụ nông sản Lục Ngạn thành lập (10 hộ dân trong thôn liên kết). Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật canh tác, chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, hướng dẫn thủ tục thụ hưởng các chính sách về vốn, thị trường, chế biến các sản phẩm từ măng, thông qua HTX, thương nhân đến tận vườn thu mua với giá bán ổn định.

Xã Hương Sơn là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, với 56% dân số là đồng bào DTTS (chủ yếu là người Nùng, Tày và Sán Dìu). Trước kia, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, với sự quan tâm của  chính quyền địa phương, đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, tháng 7/2021, HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn thành lập (các thành viên chủ yếu là đồng bào DTTS) đã từng bước phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc. Tham gia HTX, các thành viên biết tận dụng khai thác lợi thế về địa hình, mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi, được hỗ trợ kỹ thuật trồng theo phương pháp điều tiết giúp cây dứa ra hoa, cho quả trái vụ (dự kiến hiệu quả kinh tế tăng 20% so với sản xuất dứa chính vụ), ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăm sóc cây trồng (cho quả to, mã đẹp) và vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. HTX Gà núi Hương Sơn đã áp dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trên 2.000 con gà và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi gà giúp thời gian nông dân chăm sóc gà ít hơn, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt do sạch sẽ hơn, chất lượng con gà cao lên (sức khỏe của những con gà tăng lên, tỉ lệ gà chết giảm xuống và chất lượng thịt gà lại thơm ngon hơn). Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.

Tại huyện Sơn Động, HTX Phú Cường, được thành lập do một số hộ dân tộc Tày ở thôn Nà Vàng liên kết. Từ 300 triệu đồng hỗ trợ của UBND huyện Sơn Động để HTX đầu tư mua máy ấp trứng, ép cám viên, mua 200 gà bố mẹ, đến nay HTX có hơn 1 nghìn con và duy trì từ 2-3 nghìn gà thương phẩm. Với giá bán khoảng 180 nghìn đồng/kg, dự kiến HTX sẽ có nguồn thu đáng kể; HTX Ba kích tím Tây Yên Tử, nhờ triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động” đã xây dựng thành công mô hình trồng cây Ba kích tím theo tiêu chí GACP-WHO, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập đã trừ chi phí (lãi) khoảng 995 triệu đồng/ha (gấp 5 - 6 lần so với trồng cây lâm nghiệp). Ngoài ra, dự án góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS nơi đây.

Vừa qua, ngày 29/3/2023, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà làm việc và khu trưng bày giới thiệu sản phẩm HTX của Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX, với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Để nâng cao nhận thức, xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khơi dậy đam mê khởi nghiệp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh và hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dự án tiềm năng, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản về khoa học và công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực nổi bật của tỉnh một cách trực quan, thiết thực và hiệu quả; giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến người tiêu dùng, các kênh phân phối trên địa bàn thành phố các tỉnh, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.                   

Diễm Hồng   

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều