Công nghệ số hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) - Những năm gần đây, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi các hợp tác xã nông nghiệp thành lập ngày càng nhiều, một số hợp tác xã đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng công nghệ số để bán hàng, mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phát triển nông nghiệp thông minh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số (Nguồn internet)

Để hỗ trợ các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm, tập huấn các lớp bán hàng trên mạng. Đặc biệt là tổ chức hội nghị ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua hội nghị, các hợp tác xã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để tìm ra hướng đi chung trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Ca Dong, Hrê, Cor, một chi của dân tộc Xơ Đăng ở phía Bắc Tây Nguyên... Trên địa bàn huyện hiện có 11 hợp tác xã, phát triển chủ yếu các loại cây ăn quả như ổi, bưởi. Tuy nhiên, mới chỉ có một số hợp tác xã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, do đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhiều sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhất là ổi Soli và bưởi da xanh.

Nhận thấy ưu điểm từ việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Tây cũng đã tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin, mã số vùng trồng, do đó đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm.

Thực tế cho thấy, để phát triển kinh tế hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi cần có những cách làm mới, liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các hợp tác xã cũng cần thay đổi tư duy sản xuất và chủ động trong việc tiếp cận công nghệ số trong khâu bán hàng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí.

Tiếp tục tăng cường hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 15/9/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND về thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai chương trình; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc...

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá. 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống. 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp thông tin về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai qua môi trường mạng.

Bên cạnh đó, địa phương phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh…); thiết lập và công bố các dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân. 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số.

Các cơ quan thường trực chương trình cấp tỉnh, UBND các huyện thực hiện chương trình được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc kế hoạch được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.

Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, Quảng Ngãi đề ra các giải pháp thực hiện như: tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai chương trình và người dân; thể chế số; tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai chương trình. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hoặc thuê dịch vụ hạ tầng trang thiết bị CNTT tại cơ quan quản lý chương trình ở các cấp để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số trong quản lý chương trình; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều