Gia Lai chăm lo sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) - Việc cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được những thành tựu nhất định trong nhiều năm trở lại đây. Để đạt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân xuống còn 17% và 29% trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi trong năm 2023, Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chú trọng cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng, tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách.

Tỷ lệ trẻ em SDD ở Gia Lai còn cao (Ảnh: Báo Gia Lai)

Hiện nay, Gia Lai vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân và tỷ lệ SDD thể thấp còi cao so với mức trung bình của cả nước. Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ trẻ SDD về cân nặng theo tuổi là 22,5%, SDD về chiều cao theo tuổi là 29,9%, SDD cấp tính nặng là 7,8% cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm từ 23,2% (năm 2017) xuống còn 22,5% (năm 2022); tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm từ 34,6% (năm 2017) xuống còn 29,9% (năm 2022).

Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu phụ nữ mang thai và ở trẻ em vẫn còn ở mức cao. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho đồng bào DTTS và miền núi , ngày 13/7 vừa qua, Bộ Y Tế ban hành “Hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời” được triển khai trương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Mục tiêu chung là hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và trẻ em SDD vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi. Trong năm 2023, tổ chức triển khai mô hình này tại 40% các xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Và tới năm 2025, duy trì mô hình và nâng cao chất lượng của mô hình tại 40% xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Ưu tiên sử dụng Ngân sách Trung ương của Chương trình để thực hiện tại các xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 cửa Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Có thể áp dụng "Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời" để triển khai tại các địa bàn khác với nguồn ngân sách huy động hợp pháp khác.

Thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân trong Chương trình, UBND tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch triển khai với tổng số nguồn vốn gần 12 tỷ đồng. Theo đó, nguồn vốn này sẽ dùng triển khai thực hiện công tác xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi (gồm: Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã; hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản; hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm) và nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi (gồm: Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ em lồng ghép trong chăm sóc trước và sau sinh; tuyên truyền, vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em…).

 

Các gia đình có trẻ dưới 2 tuổi được hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ (Ảnh: Báo Gia Lai)

Gia Lai có 43 xã thuộc vùng III, nằm trong phạm vi thực hiện mô hình. Phụ nữ mang thai, bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi, các hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi tại các xã thực hiện mô hình sẽ được cung cấp kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua các cuộc tư vấn cá nhân hoặc tư vấn nhóm từ lúc bà mẹ mang thai và liên tục cho đến hai năm đầu đời của trẻ tại các cơ sở y tế.

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, tỉnh Gia Lai triển khai các chương trình và thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng-chống SDD trẻ em”, thuộc Chương trình.

Dự án chú trọng đến công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thông qua hỗ trợ can thiệp trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng-chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng (cung cấp gói tư vấn dinh dưỡng, đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng, quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng...). Hỗ trợ can thiệp trực tiếp trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ SDD, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng-chống SDD... Đồng thời, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em 0-16 tuổi.

Xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) triển khai hiệu quả mô hình quản lý, điều trị SDD cho trẻ em. Dự án đã giúp 60 trẻ thoát khỏi tình trạng SDD. Ngoài ra, cán bộ y tế thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tư vấn về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ nhỏ (nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung, chăm sóc trẻ bệnh…); hướng dẫn lựa chọn chế biến thức ăn cho từng độ tuổi trẻ cũng như tư vấn cách sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương… góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.

Tại huyện nghèo Kông Chro, Sở Y tế huyện hỗ trợ can thiệp trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng; nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em 0-16 tuổi.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản; tăng cường nguồn lực và phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng và theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả hoạt động của Chương trình; can thiệp trực tiếp trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ SDD, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng chống SDD...

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều