MTTQ tỉnh Bình Phước giám sát Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS

(Mặt trận) - Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó DTTS có 203.519 người thuộc 41 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh sống đan xen trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở địa bàn giáp Tây Nguyên, biên giới. Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó hướng tới mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS.
Nỗ lực giảm nghèo trên địa bàn

Triển khai Chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước tổ chức giám sát trực tiếp việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS đối với các đơn vị: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Bình Long, UBND các huyện: Hớn Quản, Bù Đốp, Phú Riềng. Giám sát gián tiếp qua báo cáo đối với Ban Dân tộc tỉnh và 4 huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Đồng Phú.

Theo báo cáo, cuối năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ cho đồng bào DTTS xây mới và sửa chữa 751 căn nhà (trong đó hỗ trợ, xây mới 575 căn; sửa chữa 176 căn nhà); hỗ trợ đất ở cho 20 hộ, xây 247 nhà vệ sinh; hỗ trợ đào và khoan 586 giếng nước sinh hoạt; hỗ trợ điện sinh hoạt cho 262 hộ; hỗ trợ 181 tivi; hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho 73 hộ; hỗ trợ 524 hộ về giống chăn nuôi, 360 hộ về nông cụ phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho 1.243 hộ…

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chủ trương dành gần 66 tỷ đồng nhằm thực hiện giảm 1.013 hộ nghèo DTTS tại các huyện, xã với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Các địa phương đã chủ động nỗ lực giải ngân nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Kết quả toàn tỉnh giảm 1.166 hộ nghèo DTTS, (đạt 115%), trong đó nhiều đơn vị có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao: thị xã Bình Long (đạt 250%), Đồng Phú (đạt 165%), Lộc Ninh (đạt 160%), Phú Riềng (đạt 140%), Bù Gia Mập (đạt 129%)...

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống. (Ảnh minh hoạ)

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Việc ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2022 bị chậm nên gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện dẫn đến tiến độ giải ngân thực hiện Chương trình của các huyện, thị xã bị chậm. Cùng với đó, một số nơi cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều công tác, kinh nghiệm và nghiệp vụ còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ.           

Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, dẫn đến người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vẫn còn hiện tượng người dân lúng túng trong sử dụng vốn, chạy theo phong trào, tự phát... từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

 

Hỗ trợ về chăn nuôi cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh hoạ)

Công tác định hướng đăng ký nhu cầu, rà soát, tổng hợp, phúc tra, thẩm định đối với các hộ dân chưa sát, dẫn đến thay đổi nhiều đối tượng thụ hưởng, trùng lắp với các Chương trình khác. Nhu cầu hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện thực tế của người dân dẫn đến tình trạng nông cụ rỉ sét, bán vật nuôi do nhà nước cấp để trang trải cuộc sống gia đình.

Trong thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, việc phối hợp theo dõi, cập nhật thông tin về những khó khăn, vướng mắc từ địa phương, cơ sở của Sở lao động, thương binh & xã hội chưa kịp thời để tham mưu UBND tỉnh kịp thời xem xét giải quyết; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí; việc xem xét hỗ trợ sửa chữa nhà; khảo sát hỗ trợ sửa chữa chuồng nuôi trâu, bò bị hư hỏng, xuống cấp còn chậm.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS đạt hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Phước xác định thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:

Một là chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan khắc phục những khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án của Trung ương; căn cứ vào các điều kiện cụ thể của tỉnh, tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

Hai là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở để thực hiện tốt công tác rà soát, khảo sát, hướng dẫn hộ nghèo là đồng bào DTTS đăng ký nhu cầu hỗ trợ giảm nghèo phù hợp; đặc biệt là định hướng hỗ trợ nhu cầu tạo việc làm, đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững.

Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các nội dung Chương trình cho các đồng bào DTTS; các mô hình, giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình; mô hình thoát nghèo bền vững bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, những nơi có điều kiện tổ chức tuyền truyền, phổ biến Chương trình giảm nghèo bền vững bằng tiếng của đồng bào DTTS.

Bốn là, thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN, đồng thời tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại các vùng đồng bào DTTS; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Sáu là giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS và MN, xóa bỏ hủ tục lạc hậu gây cản trở sự phát triển, nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.                                                                                   

Hà My

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều