Phát triển kinh tế hợp tác xã từ chuyển đổi số - giải pháp giúp đồng bào dân tộc và miền núi thoát nghèo

(Mặt trận) - Sơn La là tỉnh miền núi có trên 84% người dân là đồng bào DTTS. Những năm qua, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động thương mại điện tử trong phát triển hợp tác xã (HTX) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Sơn La đã góp phần đa dạng hóa các kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, tăng cường quảng bá, giúp nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quả Thanh Long ruột đỏ tỉnh Sơn La

Đến nay, toàn tỉnh có 953 HTX, 6 liên hiệp HTX, hoạt động trên các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, vận tải, thương mại, xây dựng,… Thích ứng với xu thế mới, đã có nhiều HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị (tối ưu hóa hiệu quả và khả năng sinh lời), đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững, góp phần tích cực cùng tỉnh xây dựng và duy trì 245 chuỗi (32 chuỗi rau, 160 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 17 chuỗi thủy sản…), giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động tại các địa phương. Doanh thu bình quân hằng năm đạt 2 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Toàn tỉnh có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực; 281 mã số vùng trồng đã được cấp phục vụ xuất khẩu qua các thị trường; 24 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu;110 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Doanh số sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%.

Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, đến nay đã có nhiều HTX ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số,  tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) trồng gần 100 ha thanh long theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với hơn 100 hộ tại các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng 100 ha thanh long ruột đỏ, sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn. Nhờ sự tích cực chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội của các thành viên HTX giúp việc bán hàng thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với đó, các thành viên HTX thành lập nhóm Zalo, Facebook để trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc và thông tin thị trường. Hằng năm, HTX xuất khẩu 600 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc. HTX được cấp 2 mã vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường EU và Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay HTX thu hoạch 300 tấn thanh long, xuất khẩu 90 tấn sang thị trường EU.

HTX Tiến Đạt (huyện Yên Châu, Sơn La) hiện có 8 thành viên. Từ năm 2021, HTX hợp tác với Công ty cổ phần BIO FARM Việt Nam áp dụng thử nghiệm trồng mận hậu theo hướng hữu cơ. Sau một thời gian trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, toàn bộ diện tích mận hậu của HTX phát triển tốt. Với tổng diện tích 46 ha, từ những gốc mận trước đây, HTX cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; sử dụng phân hữu cơ ủ hoại mục để bón cho mận hậu; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, chất lượng quả mận to, đều, mẫu mã đẹp, vị thanh ngọt nhẹ, đặc biệt là rất róc hạt. Trước đây, HTX vẫn bán các sản phẩm theo cách truyền thống, đó là dựa vào thương lái cũng như tự tìm nguồn tiêu thụ nhỏ lẻ thông qua quen biết. Năm 2022, thông qua sàn thương mại điện tử, nhiều người đã biết đến chất lượng của quả mận Yên Châu, biết đến những nông sản của HTX Tiến Đạt. Bên cạnh đó, các thành viên của HTX còn sử dụng phương thức Facebook, zalo, livestream bán mận trực tuyến để tìm kiếm thêm nhiều khách hàng hơn, giúp nguồn cung đa dạng, gia tăng sản lượng hàng hóa và nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả thực hiện triển khai thống nhất, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Để tiếp tục hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT về khoa học và công nghệ, quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 04/10/2023 về thực hiện "Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai chương trình; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc... Đồng thời, cũng đề ra nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, video tuyên truyền, bản tin, chuyên đề, tài liệu; xây dựng các hạng mục hạ tầng CNTT và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì hướng dẫn, xử lý khắc phục sự cố trực tiếp và trực tuyến các hệ thống thông tin đã triển khai; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai Chương trình;... Chuyển đổi số là hướng đi đúng kịp thời, bắt nhịp xu thế, tạo động lực phát triển mới cho Sơn La.

                                                                                      Diễm Hồng      

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều