Sóc Trăng gìn giữ, phát huy nghệ thuật múa Rom Vong của người Khmer

Người Khmer có nền văn hóa nghệ thuật đa dạng, độc đáo, phát triển lâu đời. Đặc biệt, múa rom vong (hay múa lâm thôn) là một thực thể văn hóa quan trọng trong đời sống các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer: Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta... Ngày 20/12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4602/QĐ-BVHTTDL công nhận và đưa nghệ thuật múa Rom Vong của người Khmer vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Nghệ thuật múa Rom Vong của người Khmer. Ảnh: baodantoc.vn

Múa Rom Vong là một bộ môn nghệ thuật quan trọng mang tính cộng đồng, phản ánh hiện thực đời sống, gắn bó với đời sống văn hóa của người dân Khmer Sóc Trăng. Múa rom vong của người Khmer gắn với tín ngưỡng - tôn giáo và phong tục tế lễ tiêu biểu: lễ tế thần linh, lễ rước thần, lễ cầu an và lễ Arăk...

Điệu múa thể hiện sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên, hòa quyện trong đời sống của nhân dân. Từ trẻ con, người lớn đến các cụ già đều biết múa và ai cũng thích múa. Khi vui, khởi đầu một sự việc, công việc hay cúng tế, tạ ơn thì người Khmer cũng múa. Người Khmer có thể múa Rom Vong tại nhà, sân chùa, ngoài đồng ruộng... chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động hoặc thau nhôm, thùng nhựa làm trống là một buổi sinh hoạt văn nghệ bắt đầu, tất cả mọi người đều tham gia, tạo nên không khí vui nhộn.

Múa Rom Vong không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể, mà còn là một bộ phận gắn với đời sống văn hóa tinh thần. Ở Sóc Trăng, người Khmer có thể múa Rom Vong tại nhà, sân chùa, ngoài đồng ruộng... chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động hoặc thau nhôm, thùng nhựa làm trống là một buổi sinh hoạt văn nghệ bắt đầu, tất cả mọi người đều tham gia, tạo nên không khí vui nhộn. Đặc biệt, điệu múa luôn xuất hiện trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc: Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Đây là dịp để người Khmer thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc: trống Sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Điệu múa hòa lẫn tiếng nhạc phản ánh tính cách của người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng. Hiện nay, điệu múa là di sản văn hóa cấp quốc gia của người Khmer.

Tỉnh đã mở những lớp dạy múa Rom Vong cho các thế hệ tiếp nối tại Trung tâm Văn hóa, thư viện, tổ chức lớp múa sinh hoạt cộng đồng dân tộc Khmer ở Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt. Tỉnh còn thành lập được Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng và tham gia giao lưu ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, vận động toàn thể cán bộ, công chức - viên chức và người lao động thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tham gia. Các học viên được huấn luyện viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh hướng dẫn những kỹ năng múa cơ bản trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer.

Từ nguồn kinh phí Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, tỉnh và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc cho Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt: các thiết bị loa full, micro cầm tây không dây, trang phục múa sinh hoạt, micro cài tai và 50.000.000 triệu đồng nhằm phát triển, gìn giữ điệu múa truyền thống.

Đồng thời, tỉnh cũng có chủ trương, chính sách khuyến khích việc bảo tồn nghệ thuật múa ngay từ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và từng địa phương để nghệ thuật dân gian Khmer trở về với cộng đồng dân tộc, thông qua các hoạt động truyền dạy ngay từ trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, nhà văn hóa, câu lạc bộ và trong các cơ sở giáo dục; có cơ chế, chính sách thu hút người dạy, nâng chế độ thù lao giảng dạy theo ngành nghệ thuật mang tính đặc thù.

Đặc biệt, những thanh niên, thế hệ trẻ cũng chủ động, nhiệt tình tham gia vào công tác giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật múa rom vong. Trước khi có dịch Covid, những thanh niên người Khmer ở Sóc Trăng hẹn nhau cùng tập luyện bài hát, điệu múa và ghi hình tại các chùa: Khleang, Som Rong, Tum Núp, Maha Túp, Sà Lôn… vào thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Nhóm múa còn thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân vào mỗi dịp lễ hội hay cho các chùa nhân dịp Chool Chnăm Thmây, Sene Đônta, lễ Dâng y,… Mặt khác, nhóm đã tập quay clip để đưa lên mạng xã hội và kênh Youtube “Leehool” nhằm đưa văn hóa dân tộc Khmer đến gần hơn với mọi người. Các điệu múa vừa giữ được nét truyền thống, vừa được các bạn trẻ biến tấu, sáng tạo để phù hợp với cuộc sống hiện đại, được những người am hiểu văn hóa Khmer đánh giá chuẩn mực về nội dung và nghi thức của nghệ thuật văn hóa dân tộc. Đáng chú ý, nhóm thanh niên trẻ đã thu hút được hơn 20 thành viên tham gia đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang,…

 Để bảo tồn, giữ gìn nghệ thuật múa truyền thống, Hội Đoàn kết sư nãi yêu tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc tạo điều kiện cho các nhóm trẻ biểu diễn thường xuyên tại các chùa nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tìm kiếm nguồn lực cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa Rom Vong” của người Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2027 là cơ sở để triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa "Nghệ thuật Múa Rom Vong". Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa "Nghệ thuật Múa Rom Vong".

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và chính quyền địa phương – nơi có di sản văn hóa nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa "Nghệ thuật Múa Rom Vong" đạt hiệu quả và chất lượng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ và truyền dạy "Nghệ thuật Múa Rom Vong" trong cộng đồng...

Điệu múa là sợi dây kết nối cộng đồng. Ảnh: vnbusiness.vn

Ngoài ra, đẩy mạng công tác tuyên truyền giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, không gian, cảnh quan tự nhiên, những phong tục tập quán,... gắn với sự tồn tại và phát triển của di sản.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị của di sản văn hóa "Nghệ thuật Múa Rom Vong" trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng các cấp. Đồng thời củng cố đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ công tác quản lý di sản với sự hỗ trợ của các cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác truyền dạy di sản văn hóa "Nghệ thuật Múa Rom Vong" tại cộng đồng. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt Múa Rom Vong, truyền dạy và trình diễn nghệ thuật Múa Rom Vong tại cộng đồng và các khu, điểm du lịch. Khuyến khích tổ chức các hội thi, hội diễn, biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc và "Nghệ thuật Múa Rom Vong". Khuyến khích nhân rộng các câu lạc bộ, các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.                                                                                                                                        

Hà My

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều