Sóc Trăng: Tích cực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửa Long, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm 35,44% tổng dân số của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao điều kiện kinh tế của địa phương cũng như tăng thu nhập, giảm nghèo cho đồng bào DTTS.
Đời sống đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng từng bước được nâng cao (Ảnh: Dân tộc và Phát triển)

Toàn tỉnh có 63 xã thuộc vùng DTTS, với 17 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sóc Trăng tập trung thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực của tỉnh với các chương trình, dự án của Trung ương, Chính phủ đầu tư cho vùng có đông đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình). Địa phương đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong đồng bào DTTS. Ngành chức năng địa phương tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào DTTS vả miền núi.

 

Sóc Trăng tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (Ảnh: Dân tộc và Phát triển)

Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đặc biệt khó khăn. Sóc Trăng tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các địa phương đã đầu từ giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân DTTS giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế. Chương trình đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong tỉnh vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Kết quả, từ nguồn vốn Chương trình, các địa phương trong tỉnh đã giải ngân vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ DTTS, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 268 hộ và hỗ trợ 11 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Khi Thủ  tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ, các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ.

Đặc biệt từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của đồng bào DTTS, trong đó, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, giúp 1.560 hộ nông dân thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 4,55% (so với tổng số hộ đồng bào dân tộc Khmer toàn tỉnh). Bên cạnh đó, Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng; đẩy nhanh triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; triển khai thực hiện các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục lồng ghép việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc với Chương trình.

Ngoài ra, để tạo sức bật cho sự phát triển của tỉnh, đặc biệt của vùng đồng bào dân tộc, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, trong đó trọng tâm là Dự án Cảng biển Sóc Trăng; kết hợp phát huy lợi thế hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư trong thời gian tới như tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển, Cảng biển Sóc Trăng… nhằm kết nối hệ thống giao thông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế của khu vực nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Tỉnh hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng DTTS và bình quân chung của tỉnh, giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3% – 4%.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình được UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành, có tổng nguồn vốn trên 790 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 696,7 tỷ đồng, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 30,36 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 53 tỷ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách gần 10,2 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện chương trình là trên 413 tỉ đồng. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đến các hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đặc biệt khó khăn; đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ...

Tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất chuyển nguồn vốn phân bổ cho Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất sang nguồn vốn sự nghiệp. Riêng nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án 1, kiến nghị xem xét chuyển nguồn bổ sung cho Dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều