Trồng dược liệu quý tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS ở Bắc Kạn

(Mặt trận) - Bắc Kạn là một tỉnh miền núi cao thuộc vùng Đông Bắc có khí hậu mát mẻ và được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật, đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của các dược liệu quý ở những khu rừng tự nhiên nguyên sinh. Với những điều kiện thuận lợi đó, việc phát triển trồng dược liệu tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.Mô hình phát triển dược liệu quý nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Thực hiện Dự án phát triển cây dược liệu quý (cây khôi nhung tía) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2021, UBND huyện Ba Bể đã chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai các nội dung đầu tư, hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật cho các hộ thực hiện. Cây khôi nhung tía là cây dược liệu quý, có đặc điểm ưa độ ẩm cao, thường mọc dưới tán rừng và dùng để bào chế thuốc chữa các bệnh về dạ dày, tá tràng. Theo tính toán, với mật độ từ 6.000 – 10.000 cây/ha, khôi nhung sau 1 – 2 năm có thể cho thu hoạch từ 3 – 5 tạ lá khô mỗi năm, thu về lợi nhuận từ 50 – 80 triệu đồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xã Đồng Phúc thực hiện 6ha, cho thu hoạch khoảng 4,4ha cây khôi nhung tía tại các thôn Bản Chán, Tẩn Lùng, Nà Khâu. Từ nguồn kinh phí nông thôn mới hỗ trợ, xã Thượng Giáo thực hiện 3,5ha cây khôi nhung tía tại thôn Phịa Khao. Việc thực hiện mô hình cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại xã Đồng Phúc.

Tại bản người Dao Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, HTX Tân Thành là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Các mặt hàng tinh bột nghệ của HTX Tân Thành đa dạng, dễ sử dụng và được bày bán trên cả nước và đối tác nước ngoài: tinh nghệ nếp đen, tinh nghệ nếp đỏ, nghệ viên mật ong, bột nghệ... Đồng thời, được dùng trong quá trình điều trị các bệnh: ung thư, dạ dày, trị nám, tàn nhang, bổ huyết,… được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn, các chuyên gia đánh giá có chất lượng tốt.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. HTX hiện có 20 đại lý trong nước và đã ký kết hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát với sản lượng 250 tấn cho một công ty xuất nhập khẩu. Bên cạnh các gian hàng truyền thống, việc ứng dụng công tác chuyển đổi số đưa nông sản, sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử đang được HTX Nông nghiệp Tân Thành tiếp cận, đẩy mạnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Tất cả các sản phẩm đều được đảm bảo về chất lượng, có chứng nhận của các cơ quan chức năng; phải đầy đủ nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

Hỗ trợ bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa dược liệu quý. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, HTX Đông Nam dược Bắc Kạn HTX trồng 12.000 gốc hà thủ ô đỏ đang ở giai đoạn tạo củ với mục đích hỗ trợ bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa dược liệu quý. Mỗi gốc đến kỳ thu hoạch cho khoảng 10 kg củ, khi đến kỳ thu hoạch củ, hà thủ ô được bán với giá 180 nghìn đồng/kg. Việc trồng thành công hà thủ ô đỏ đã mở ra cơ hội cho người dân trong thôn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Cây hà thủ ô đỏ không chỉ là vị thuốc chữa bệnh mà còn là loại cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác: Ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu, đẳng sâm… Thực tế cho thấy, giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Vì vậy, hoạt động sản xuất, chế biến cây dược liệu quý đã tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho nhiều thành viên HTX, giúp xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, gieo ươm nhân giống để người dân trong vùng cùng tham gia trồng, tạo liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Đẩy mạnh công tác phát triển cây dược liệu

Để phát huy tiềm năng, khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn dược liệu, góp phần nâng cao cho thu nhập cho người dân, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành, triển khai nhiều chính sách riêng và chương trình, đề tài, dự án về phát triển cây dược liệu. Qua đó, tạo cơ sở vững chắc và bài học kinh nghiệm cần thiết nhằm xây dựng vùng dược liệu, hướng tới phát triển cây dược liệu thành cây hàng hóa, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là hộ đồng bào DTTS.

Phát triển cây dược liệu thành cây hàng hóa. Ảnh: baodantoc.vn

Chính quyền các cấp cũng chú trọng mở rộng diện tích một số loại dược liệu quý tại địa phương. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển các loại lâm sản, trong đó có cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Để khuyến khích các hợp tác xã (HTX) tham gia vào công tác phát triển dược liệu, UBND tỉnh ban hành các chính sách cùng nguồn khuyến công của Trung ương và của tỉnh đã hỗ trợ về tư vấn xây dựng liên kết, máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác… phát huy được tiềm năng của các loài cây dược liệu quý, nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn.

HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) được hỗ trợ xây dựng 01 dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ; HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng; HTX Mộc Lan Rừng, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) được hỗ trợ xây dựng 01 mô hình trồng cây khôi nhung tía, với quy mô 10ha;…

Cùng với đó, nhiều HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hơn thế nữa, các HTX cũng gieo ươm nhân giống để người dân trong vùng cùng tham gia trồng, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Ngày 8/2/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND triển khai thực hiện Dự án 3 tiểu dự án 2, nội dung số 02 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT và Viện Dược liệu phối hợp tổ chức thẩm định Dự án, đồng thời khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Việc phát triển các loại cây dược liệu là điều kiện để người dân phát huy tiềm năng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra một hướng đi mới, đa dạng nguồn thu nhập.

                                                                                                Hà My

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều