Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhận trách nhiệm về văn bản gây hoang mang. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM
Tối 27/3, các trang mạng xã hội chia sẻ một văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, yêu cầu các đơn vị báo cáo phương án hoạt động hoả táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại đơn vị.
Văn bản do Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố, Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký, gửi 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV môi trường đô thị thành phố, Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ và Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành khẩn trương xây dựng báo cáo về: Công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng trong trường hợp vận hành liên tục.
Quy trình tiếp nhận và giải quyết cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và khu vực xung quanh; Lên phương án cách ly và giải pháp duy trì vận hành hoạt động 24/24 tại cơ sở hỏa táng trong trường hợp có cán bộ làm việc tại cơ sở hỏa táng bị nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.
Văn bản trên của Sở TN&MT có nhiều lỗi kỹ thuật. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến “công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng” và “tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus COVID-19 có thể tử vong” khiến dư luận cả nước chung và TP.HCM cực kỳ hoang mang, lo lắng về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố.
Theo đó, người dân TP.HCM cực kỳ hoang mang về nội dung văn bản, đặt nhiều dấu hỏi về việc kể cả tình huống khẩn cấp có thể xảy ra vì diễn biến của dịch bệnh COVID-19 là rất khó lường, nhưng chẳng lẽ đã phải chuẩn bị đến cả tình huống “hỏa táng các bệnh nhân nặng?” như nội dung công văn này đề cập?.
Đề xuất kỷ luật các cá nhân ra văn bản “hỏa táng mùa dịch” gây hoang mang dư luận.
Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, vụ việc đã gây chấn động dư luận, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, Thường trực UBND TP.HCM đã phải ra tay chỉ đạo, phê bình nghiêm khắc Sở TN&MT; yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan.
Ngoài vấn đề nêu trên, vụ việc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân (một đơn vị trực thuộc Sở TN&MT TP.HCM) “om” Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) cấp lại của ông/bà Lê Như Nguyên và Nguyễn Kiều Diễm cả nửa năm mà không chịu trả lại thể hiện sự tắc trách, trơ lì cảm xúc, thái độ thờ ơ, dửng dưng, vô cảm của một bộ phận cán bộ đang công tác trong ngành TN&MT của Thành phố.
Đáng nói hơn, ngay cả văn bản chuyển đơn, yêu cầu xem xét, giải quyết kiến nghị của công dân của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng UBND TP.HCM, Thanh tra Bộ TN&MT cũng bị Sở TN&MT TP.HCM xem nhẹ, thậm chí phớt lờ.
Sổ đỏ gốc của thửa đất đã được Sở TN&MT TP.HCM cấp lại nhưng Văn phòng Đất đai chi nhánh quận Bình Tân kiên quyết giữ, không trả cho người dân.
Sau hàng tháng ban chuyền, “quả bóng” trách nhiệm lại lăn từ Sở TN&MT qua Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố về Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân để tiếp xúc, trả lời báo chí. Trong khi trước đó, đơn vị này không nêu rõ được dựa vào căn cứ nào theo quy định của pháp luật để giữ lại sổ đỏ của người dân ngoại trừ việc răm rắp làm theo chỉ đạo của UBND quận Bình Tân và các “dấu hiệu”.
Những câu chuyện tưởng thật như đùa nhưng lại xảy ra ở giữa trung tâm kinh tế, nơi mà dân trí được xem là cao, quan trí cũng đứng đầu cả nước, nhưng cùng chung một mẫu số là trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác đang phải gánh chịu thì những cán bộ được giao thụ lý để giải quyết vụ việc lại thể hiện sự thờ ơ, vô cảm đến tàn ác.
Và càng nực cười hơn với cách lý giải, biện minh cho hành vi giữ “sổ đỏ” cấp lại cho người dân chỉ dựa trên các dấu hiệu của ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân (ngoài cùng bên phải) cùng một số cán bộ của Văn phòng và cán bộ địa chính phường An Lạc.
Tại buổi làm việc với PV sáng ngày 20/2/2020, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm một số thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc. Thành phần buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cùng một số cán bộ của Văn phòng và cán bộ địa chính phường An Lạc.
Theo đó, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm Thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn” của Tòa án nhân dân quận Bình Tân số 524/TB-TLVA ngày 29/7/2019 giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phi Long, bị đơn là ông Nguyễn Văn Chung, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi. Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân đóng dấu công văn đến ngày 18/02/2020.
Ngoài Thông báo thụ lý vụ án nêu trên, liên quan đến vụ việc, đại diện Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân khẳng định đến nay chưa nhận được Quyết định ngăn chặn của Tòa án hay Kết luận của cơ quan công an đối với thửa đất của ông Nguyên và bà Diễm.
Khi được hỏi tại sao giữ lại sổ đỏ của người dân mà không trả lại theo thời hạn quy định, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cho rằng, chúng tôi không giữ lại giấy mà hồ sơ đang trong quá trình giải quyết, cập nhập thay đổi về nghĩa vụ tài chính, nhưng UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo ngừng tất cả mọi giao dịch thay đổi hiện trạng cho nên hồ sơ không thể thay đổi nghĩa vụ tài chính nên chúng tôi tạm giữ để chuyển cho cơ quan điều tra. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ giải quyết theo quy định. Do có dấu hiệu sai phạm nên chúng tôi buộc phải giữ lại và cung cấp cho cơ quan điều tra.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình cũng không lý giải rõ ràng được căn cứ nào theo quy định của pháp luật để Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân thực hiện việc tạm giữ sổ đỏ của người dân? Tại sao UBND quận chỉ đạo việc ngăn chặn mọi giao dịch thì Văn phòng Đăng kí đất đai lại đi tạm giữ sổ đỏ, không trả cho người dân? Việc ngăn chặn giao dịch và tạm giữ sổ đỏ gốc khác nhau như thế nào?
Bên cạnh đó, hàng loạt dấu hỏi xung quanh vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi đáp: Tại sao tất cả mới chỉ ở dấu hiệu chưa có kết luận hay phán quyết cuối cùng nhưng UBND quận Bình Tân và Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân đã “đóng băng” sổ đỏ của người dân? Có hay không hành vi lạm quyền của các cơ quan công quyền quận Bình Tân? Khi người dân phát sinh thiệt hại từ những quyết định hành chính sai lầm của các cấp chính quận Bình Tân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vì sao trong thời gian niêm yết tại trụ sở UBND phường An Lạc thì không phát sinh tranh chấp, ngay khi người dân hoàn thành thủ tục nộp hơn 9,3 tỷ đồng thì UBND phường An Lạc lại ban hành văn bản nói thửa đất đang có tranh chấp?...
Như vậy, với hàng loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ như trên, tại sao Sở TN&MT TP.HCM vẫn tiếp tục “đá bóng” xuống cấp dưới? Tại sao Văn phòng UBND TP.HCM yêu cầu một đằng, Sở TN&MT TP.HCM thực hiện một nẻo? Đối với vụ việc trên, Sở TN&MT TP.HCM đã rà soát, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, theo đúng chỉ đạo hay chưa?
Sau hơn 6 tháng, gia đình ông Lê Như Nguyên và bà Nguyễn Kiều Diễm Chi làm đơn thưa kiện khắp nơi vẫn chưa tìm thấy công lý thì những người được coi là cán bộ “mẫn cán, trách nhiệm” kia lại có thái độ dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm đến thế là cùng.
Có thể thấy, trong vụ việc này, Sở TN&MT TP.HCM là đơn vị chuyên môn cao nhất thuộc UBND thành phố, có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường cũng phản ứng rất chậm chạp, thiếu quyết liệt trong quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, có thể thấy, vụ việc gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài nhưng không được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm là vì chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền thành phố.
Chính vì thế, nếu Thành phố còn tiếp tục dung dưỡng những “con virus trì trệ”, “những con sâu làm rầu nồi canh” như đã nêu ở trên thì không chỉ gây nhức nhối, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự chỉ đạo, điều hành của bộ máy công quyền mà còn kéo lùi sự phát triển của cả xã hội, làm chậm quá trình phát triển đất nước.
Để giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, TP.HCM cần có các giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn tại, bất cập trong công tác cấp sổ đỏ cho người dân:
Một là, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM có chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác minh làm rõ động cơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc chây ỳ, gây khó khi cấp sổ đỏ cho người dân..
Hai là, TP.HCM cần có cơ chế hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng từ việc chậm trễ cấp sổ đỏ như: giảm bớt các khoản thu, có chính sách miễn giảm lệ phí, thuế; bổ sung kiến thức cho cán bộ giải quyết; giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà…
Ba là, tập trung rà soát và chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp sổ đỏ theo tinh thần cắt giảm thủ tục và thành phần hồ sơ không cần thiết.
Bốn là, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân. Việc công khai các thông tin cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời nhằm đảm bảo hạn chế những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân khi đi làm sổ đỏ.
Năm là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện giám sát công tác cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
(Mặt trận) - Trong khi ngành Tài nguyên và Môi trường đang quyết liệt, nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ,...
Phan Anh Tuấn