Bài cuối: Yêu cầu xử lý ngay vi phạm tại thời gian khảo sát

Theo Thường trực HĐND huyện Nam Sách, Hải Dương, hoạt động khảo sát độc lập thường tiến hành đối với những vấn đề “nóng” của cuộc sống, cần đến tận nơi, đối chiếu với những thông tin đã có, từ đó đưa ra kết luận và có kiến nghị xác đáng. Đặc biệt, nếu "hiện trường" có dấu hiệu rõ về vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phải yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết xử lý ngay vi phạm pháp luật tại thời gian khảo sát.

  • Thường trực HĐND huyện Nam Sách giám sát việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Ảnh: Hoàng Dũng
    Đến tận ngõ, gõ tận cửa

Những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND huyện Nam Sách, Hải Dương đã có nhiều đổi mới về phương thức thực hiện. Bình quân mỗi năm, HĐND huyện tổ chức 12 cuộc giám sát (Thường trực HĐND 4 cuộc, Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế, mỗi ban 4 cuộc; trong đó, 2 cuộc giám sát chuyên đề và 2 cuộc giám sát thường xuyên).

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, ngoài lựa chọn chuyên đề giám sát, công tác phối hợp, lựa chọn nhóm vấn đề... việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế cũng góp phần quan trọng. Thông qua hoạt động này, giúp đoàn giám sát có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về vấn đề đang giám sát. Đặc biệt, các ý kiến, kiến nghị, những hình ảnh ghi được trong quá trình khảo sát chính là trực quan minh họa sinh động, dữ liệu hữu ích và là căn cứ để kết luận giám sát.


Theo Thường trực HĐND huyện Nam Sách, ngoài tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, khi tiến hành khảo sát phải xem xét, đối chiếu trên thực tế với đối tượng, thời gian, địa điểm cụ thể. Trong đó, báo cáo của đối tượng khảo sát, các báo cáo của cơ quan quản lý chỉ mang tính chất tham khảo. Do vậy, hoạt động khảo sát độc lập thường tiến hành đối với những vấn đề “nóng” của cuộc sống, đòi hỏi phải tiến hành ngay, để từ đó rút ra kết luận, kiến nghị và giải pháp để giải quyết sự việc.

Bênh cạnh đó, để hoạt động khảo sát hiệu quả, cần đến tận nơi, “đến tận ngõ gõ tận cửa” của hiện trường thực tế liên quan đến nội dung vấn đề khảo sát, đối chiếu với những thông tin đã có (cả thông tin chính thống như báo cáo, thông báo... của cơ quan nhà nước và thông tin chưa chính thống như thông tin trong dư luận...). Từ đó, đưa ra kết luận và có kiến nghị xác đáng.

Bảo đảm khách quan, công khai và hiệu quả

Thường trực HĐND huyện Nam Sách nhấn mạnh: trong hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện, việc tổ chức khảo sát nhằm làm sáng tỏ các nội dung giám sát, đó là cơ sở ban đầu, định hướng cho giám sát. Đồng thời, qua khảo sát nhằm cung cấp số liệu, có thêm nhiều thông tin thực tế, tạo thêm “mắt xích” để xâu chuỗi các dữ liệu giám sát. Đặc biệt, khảo sát còn nhằm mục đích dự báo trước kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát về nội dung đang giám sát.

Phạm vi và đối tượng khảo sát không phù hợp thì kết quả khảo sát không hiệu quả, thông tin thu được sẽ thiếu chắc chắn. Nếu phạm vi và đối tượng khảo sát quá rộng thì thông tin bị loãng, nếu quá hẹp thì dễ dẫn đến đánh giá phiến diện. Do đó, việc xác định phạm vi và đối tượng khảo sát phải được cân nhắc, có chọn lọc cho phù hợp với nội dung, hình thức khảo sát, bảo đảm nguồn tin thu được có cơ sở thực tiễn và khoa học.

Hoạt động khảo sát phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được khảo sát; có thể tổ chức buổi khảo sát riêng trước khi tiến hành giám sát trực tiếp. Cần thiết có thể tổ chức khảo sát lại đối với một số địa điểm thực tế trước khi đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND, để Thường trực HĐND có ý kiến với các cơ quan quản lý về nội dung của kết quả giám sát.

Kiến nghị xử lý ngay những vấn đề vi phạm tại thời gian khảo sát. Thông thường, sau khi kết thúc cuộc giám sát, đoàn giám sát báo cáo Thường trực HĐND huyện để nghe và cho ý kiến, sau đó trình kỳ họp hoặc ban hành thông báo các kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, qua khảo sát, nếu "hiện trường" có dấu hiệu rõ về vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đoàn giám sát yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật ngay trong thời gian khảo sát.

Theo THÁI HÒA/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều