“Bữa tất niên đắng lòng“: Đừng bắt người khác giống mình!

Bữa “tiệc tất niên tiền tỉ” của Tập đoàn T&T đã để lại dư âm vui, ngọt ngào và ấm áp bởi không chỉ một số cầu thủ đạt thành tích cao được ông bầu thưởng “khủng”, mà từ số tiền “khủng” đó, cầu thủ đã biết trích ra một ít để giúp nữ công nhân nghèo khó khăn có thể về quê ăn tết.

Ảnh minh họa (nguồn: linkedin.com)

Đó là một nghĩa cử tự nhiên, tự nguyện chứ không hề gượng ép, cho thấy truyền thống san sẻ, “lá lành đùm lá rách” của người Việt nói chung.

Thế nhưng lại có một bữa tất niên khác, được đăng tải hình ảnh lên Facebook, với một bàn ăn trống trải chỉ có 2 người, còn status kèm theo thì cho rằng đó là “bữa tất niên đắng lòng” mà “chủ thớt” Facebook cho biết đã hẹn hò trước nhưng đến giờ hẹn ngồi tại bàn tiệc chỉ có 3 người. Và một lời trách móc kèm theo đại loại rằng từ nay không bao giờ hẹn hò với nhau nữa, rằng xa mặt cách lòng…

Một bữa tụ tập, tất nhiên nếu gặp được nhau đông đủ thì rất quí. Nhưng áp tết, công việc gấp rút bộn bề, cũng có những lí do đột xuất trong cái xuôi ngược chạy vạy lo tết, lo chuẩn bị mọi thứ về quê đầy cập rập; nếu không tụ tập được thì cũng còn một dịp khác. Còn dịp cận tết, cách nhìn về nhau ấm áp nhất chính là biết cảm thông cho mỗi người, chứ đừng cố nặn ra một vấn đề xem là rất nặng nề, nghiêm trọng: “Bữa tất niên đắng lòng”.

Xin thưa, những ngày áp tết này, còn rất rất nhiều cảnh ngộ thương tâm còn “đắng lòng” hơn. Đó là những giáo viên vùng sâu vùng xa không có thưởng tết hoặc có cũng chỉ vài chục cho đến trăm ngàn đồng. Đó là những công nhân nghèo đi làm xa vẫn phải dài cổ chờ thưởng để có tiền mang về quê cho gia đình đón tết. Đó là những sinh viên nghèo phải ở lại các thành phố lớn làm thêm và bữa ăn của họ trong ba ngày tết sẽ là “vật vạ” không ra bữa… So với bữa tất niên được cho là “đắng lòng” kia, thì các hoàn cảnh kể trên còn đắng hơn gấp bội.

Sự thật nếu đúng như tấm hình đăng trên Facebook kia, thì cũng đừng bắt người khác phải giống mình, có thời gian như mình và từ đó tự cho mình quyền nhiếc móc người khác. Hãy để không khí những ngày áp tết diễn ra thuận theo tự nhiên mà đừng cố nhào nặn hay tự bi đát hóa rồi lấy đó làm lí do phê phán người khác và bắt người khác phải giống mình. Dù là “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, thì dịp áp tết chính là lúc cần đối đãi, đối xử với nhau một cách ấm áp, cảm thông nhất. Chứ đâu phải cứ phải đến với nhau trong một bữa tất niên thì mới là bạn là bè thân thiết…

Theo Thế Lâm/Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều