Cuối năm là cứ phải tập huấn

Trong một kỳ tập huấn cuối năm, cô đồng nghiệp khoe: “Phải ký vào ba tờ giấy, tờ điểm danh, tờ xác nhận lấy tài liệu, tờ ghi bồi dưỡng”. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như chỗ ký nhận tiền bỏ trống kia được cụ thể là một trăm ngàn đồng như thực tế giáo viên được nhận và thời điểm cuối kỳ sao cứ phải tập huấn thay vì ôn luyện kiến thức cho học trò kết thúc học kỳ?

 Ảnh minh họa. Ảnh: giaoduc.net.vn

Không dám thể hiện ý kiến công khai vì “vuốt mặt phải nể mũi”, những giáo viên được cử đi học nói nhỏ với nhau rằng, chắc lại là giải ngân cuối năm. Biết buồn hay vui, được hay mất cho những lần đi tập huấn kéo dài ít nhất vài ngày?!

Bản chất tập huấn là việc làm hết sức cần thiết. Bởi đây là cơ hội bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn cho mọi ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Tập huấn giúp cho thầy cô giáo kịp thời tiếp cận, làm quen cái mới, cái sắp thay đổi, cải tiến, đồng thời củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết về những phần kiến thức, kỹ năng sư phạm còn thiếu, còn hạn chế của bản thân.

Thông thường, một năm học có 3 hay 4 lần tập huấn. Phổ biến nhất là trong hè, đầu năm, đầu học kỳ và có cả cuối năm học. Thời gian dàn trải thế cũng dễ hiểu khi đầu năm, thầy và trò cần tiếp cận sự đổi mới, nhưng cứ cuối kỳ, nhiệm vụ chính là ôn luyện giúp học sinh đạt kết quả cao nhất lại đi tập huấn trong tỉnh, ngoài tỉnh đến mức cả trường phải rộn ràng: ai dạy thay đây?

Thực tế là hiệu quả của những kỳ tập huấn chưa thực sự cao như những gì được kỳ vọng. Lúc thì mời cán bộ, giảng viên các trường đại học về giảng dạy, báo cáo. Bi hài là chuyện, báo cáo viên không nắm thực tế kiến thức ở cấp dưới có những gì. Khi thì, cử một số giáo viên cốt cán đi tập huấn ở các nơi như Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... rồi về báo cáo, truyền đạt lại cho tất cả cán bộ, giáo viên... Hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, thảo luận nhưng thực chất là nói chuyện, hỏi han nhau, lướt trang web là chuyện không hiếm gặp. Còn các tài liệu về nội dung tập huấn, bồi dưỡng có nhiều, được cấp trên, nhà trường cung cấp khá đầy đủ qua hình thức photo, gửi đường thư điện tử,… song, chẳng mấy thầy cô giáo “mặn mà” đọc và có phản hồi. Lý do, nội dung không khác mấy, khác chăng là khác tên gọi hoặc do chương trình khó có thể áp dụng được vào đại đa số vùng, miền và đối tượng học sinh.

Mỗi lần tập huấn, tiêu tốn một lượng ngân sách nhà nước không nhỏ. Tiền đi lại, ăn ở cho báo cáo viên và giáo viên, tiền in tài liệu, tiền nước giữa buổi... từ sở, ngành về lại các trường. Chung quy là tiền tiêu tốn không phải khi nào cũng tỷ lệ thuận với chất lượng mà nó mang lại. Chưa kể đến quỹ thời gian của giáo viên, nhà trường bỏ ra không nhỏ.

Vì thế, sự dồn tụ các kỳ tập huấn vào thời điểm cuối kỳ, đồng nghĩa cuối năm cùng với hình thức lập lờ chữ ký như đã nói ở trên khiến người giáo viên đặt ra câu hỏi: “Vội quá nên chưa điều chỉnh ngân quỹ cụ thể hay cứ bỏ trống rồi điền vào đấy bao nhiêu cũng được?”. Sự “khó hiểu” này khiến họ có quyền hoài nghi bản chất của những đợt tập huấn khi cho rằng, đó là để hợp thức hóa ngân sách mà Trung ương cấp về chưa biết tiêu vào khoản nào cho hết thì tập huấn là phương án tối ưu được sở, tỉnh quan tâm.

Nghề nhà giáo vốn nghèo, cuối năm càng chật vật khi dài cổ chờ lương. Thưởng cuối năm có gì đâu ngoài can dầu hay nửa thùng bia. Lo âu là thế, bận rộn là thế nhưng cứ rình rang hết tập huấn ở sở rồi đến cụm, thậm chí cấp Trung ương. Sao cứ phải ngồi bàn giấy nhiều mà không chú ý tới chất lượng cuối kỳ? Sao nhiều trường học sắp sập mà không cấp ngân sách để nâng cấp? Sao nhiều trẻ em vùng cao mùa đông đến không có áo ấm để mang, giày dép để đi? Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao mà chất lượng không tương xứng? Trăn trở thì cũng nhiều, nhưng câu hỏi vẫn bỏ ngỏ như tờ giấy ghi nhận tiền giáo viên đi tập huấn vẫn hay được ký vào đó đấy thôi!

Theo Sông Hương/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều