Làm sao để không phải “xin lỗi dân”

Các địa phương khác cũng nên coi đây là bài học để làm sao không còn lợi ích nhóm sinh sôi mỗi khi có dự án.

Những khiếu kiện gay gắt ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh đã phần nào bớt nóng khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về những sai phạm ở đây và lãnh đạo chủ chốt của Thành phố công khai nói lời xin lỗi.

Tuy nhiên, dư luận cả nước quan tâm là ngay sau lời xin lỗi, chính quyền sẽ có những hành động tích cực, cầu thị, không nửa vời, không máy móc để trả lại những lợi ích chính đáng của người dân nơi đây. Và hơn nữa, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà các địa phương khác đừng để tiếp tục nảy sinh một Thủ Thiêm tương tự và những lời xin lỗi tương tự. 

Một người dân Thủ Thiêm phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri của thành phố

Có thể nói, việc đại diện chính quyền cấp thành phố công khai xin lỗi người dân khiếu kiện là chuyện rất hiếm đối với những vụ việc tương tự trên cả nước. 

“Rất hiếm"  là bởi tính “tự ái quyền lực” đã ăn sâu vào một bộ phận cán bộ có chức có quyền.

Rất hiếm cũng là bởi "tư duy nhiệm kỳ” và nhận thức của một bộ phận cán bộ cho rằng, do cơ chế chính sách, cùng lắm là do lỗi tập thể, chứ mình không có lỗi. Rồi để đến khi hết nhiệm kỳ thì vụ việc dù có gay gắt, có “nóng” đến mức nào đi nữa cũng sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm.

Và một nguyên nhân hết sức nguy hiểm nữa thuộc về văn hóa của người cầm quyền khi họ nghĩ rằng: phải xin lỗi công khai người khiếu kiện nghĩa là tự thừa nhận sai phạm khuyết điểm, tự công khai cho bàn dân thiên hạ về sự yếu kém trong quản lý điều hành; là trong quá trình công tác của mình có “vết đen”, phải xin lỗi người dân.

Từ nhận thức đó, nên suốt hàng chục năm qua, không chỉ ở Thủ Thiêm, nhiều cán bộ có chức có quyền đã lãng quên trách nhiệm, vô cảm trước nỗi khốn khó của người dân bị thu hồi đất, cố gắng “ém” nhẹ sai phạm, khuyết điểm hòng “pha loãng” trách nhiệm giữa tập thể với cá nhân.

Và những sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm được làm rõ chỉ sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và khiếu kiện trở nên gay gắt, trở thành “điểm nóng”. 

Thay mặt cán bộ lãnh đạo các thời kỳ nói lời “xin lỗi nhân dân từ đáy lòng mình” của ông Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ngày 18/10 cũng là bước đầu thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã được người dân Thủ Thiêm ghi nhận.

Tuy nhiên, điều mà người dân mong đợi hơn cả là “lời xin lỗi từ đáy lòng” ấy phải được thực hiện quyết liệt, không nửa vời trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và đối thoại. Bởi lẽ, người dân Thủ Thiêm khiếu kiện nhiều năm nay không phải chỉ để nhận lời xin lỗi và lại càng không phải chờ đợi trong thất vọng như những lời hứa trong mỗi lần tiếp xúc cử tri. Một việc cần làm ngay sau lời xin lỗi là xử lý thật nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm và công khai để dân được biết.

Quan trọng hơn nữa, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng nên coi đây là bài học để làm sao không còn lợi ích nhóm sinh sôi mỗi khi có dự án; không còn những “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” của người dân khiếu kiện; Không còn những cán bộ vô cảm, thờ ơ trước nỗi vất vưởng của người dân bị thu hồi đất. Để rồi “lời xin lỗi từ đáy lòng” của lãnh đạo chính quyền trở thành “văn hóa cầm quyền” khi mắc lỗi với dân và phải có giá trị như lời hứa danh dự của những người được nhân dân trao gửi quyền lực; để thấy rõ trách nhiệm của mình trước lợi ích chính đáng của nhân dân.

Theo Ngọc Năm/VOV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều