Lối thoát giải quyết khiếu tố đất đai

Trên thị trường, giá mỗi mét vuông đất mặt đường Đồng Khởi, quận 1 (TPHCM) lên tới “hàng tỉ đồng”, trong khi đó bảng giá đất của thành phố chỉ “định giá” tối đa 162 triệu. Đó có phải là “Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”?

Hồi trung tuần tháng 5, Chủ tịch Q.4 Nguyễn Hoàng Quân nêu một thực tế: “Căn hộ tái định cư tối thiểu 30m2 giá hơn 700 triệu đồng/căn trong khi 50% hộ dân được bồi thường dưới 500 triệu đồng”.

Có nghĩa là hễ cứ có dự án, có GPMB, có đền bù giải tỏa là người dân mắc nợ, cho một xuất tái định cư chỉ 30m2.

Với 61 dự án và 13.851 hộ dân phải GPMB, sự chênh lệch giữa bồi thường và giá trị xuất định cư tối thiểu 30m2 đang ẩn chứa trong nó không ít lá đơn khiếu nại. Và khiếu tố đất đai không thể dừng được chừng nào bồi thường quá không tương xứng như vậy.

Tuần rồi, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã gửi văn bản lên UB TVQH, Chính phủ và Bộ TNMT đề xuất sửa đổi giá đất trong Luật Đất đai 2013.

Có những con số, những thực tế phải nói đúng là “vô lý”.

Chẳng hạn theo NĐ 104, bảng giá đất của TP xác định 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ áp dụng mức cao nhất, theo công thức: 162 triệu đồng/m2 + (162 x 30%) = 210,6 triệu đồng/m2. Nhưng 210 triệu/m2 vẫn thấp quá xa so với thị trường khi đất ở 3 tuyến này thực tế đang giao dịch từ trên 1 tỉ đồng mỗi m2.

Ở không ít các địa phương, giá đất trong bảng giá cũng chỉ tương đương khoảng 30-50% giá thị trường, không đảm bảo nguyên tắc đã được luật hóa: “Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.

Nhưng cũng từ TPHCM, đang có một giải pháp mang tính lối thoát. Theo đó, TP đề nghị cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất tính bồi thường, và cho phép TP chấp thuận giá đất ấy để thỏa thuận với người dân.

Nói đây là giải pháp mang tính lối thoát vì giá đền bù chênh lệch thị trường quá xa đang khiến công tác đền bù, GPMB của TP rơi vào ngõ cụt với 133 dự án chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường, thu hồi đất, với gần 24.500 trường hợp và hơn 27,7 triệu m2 chưa thu hồi.

Lối thoát còn ở chỗ sự tiên phong này có thể trở thành một tiền lệ để bảng giá đất, đặc biệt trong trường hợp đền bù- gần nhất với giá thị trường, trở thành nguyên tắc chung ở tất cả các địa phương ngõ hầu giải quyết tình trạng khiếu tố đất đai đang nóng bỏng hiện nay.

Nguyên tắc “Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” đã được luật hóa, và nó cần đi vào cuộc sống không chỉ như một giải pháp mà còn như một lẽ công bằng.

Theo Đào Tuấn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều