Nhà ca sĩ Mỹ Linh và các villa “băm” rừng Sóc Sơn: Rừng phòng hộ là “bất khả xâm phạm“

Rừng phòng hộ thuộc loại rừng được Nhà nước bảo vệ, bất khả xâm phạm, không có chuyện áp cơ chế thị trường đối với rừng phòng hộ. Cơ chế thị trường chỉ áp dụng với rừng sản xuất và rừng trồng.

Công trình xây dựng trái phép đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Văn Thắng

Hàng loạt văn bản pháp lý bảo vệ rừng phòng hộ

Ngoài Việt phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh, ở huyện Sóc Sơn hiện có hàng trăm công trình khác cũng xây không phép trên đất rừng.

Điều đáng nói, hàng loạt vi phạm trong quản lý đất rừng, buông lỏng quản lý để chuyển nhượng đất rừng ồ ạt tại Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006, nhưng việc khắc phục đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ".

Trong khi đó Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp lý về việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm hại rừng, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân, bảo vệ rừng.

Năm 1991, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, xác định: "Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc".

Năm 1992, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 17 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ, phát triển diện tích rừng hiện có trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài các văn bản pháp luật quy định cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng vừa kể trên, Quốc hội cũng thông qua Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003. Những bộ luật này được coi là hệ thống các văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Nhà nước nghiêm cấm những hành vi sử dụng đất rừng không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép sử dụng rừng, khai thác lâm sản; thiếu trách nhiệm, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

"Không xử lý nghiêm sẽ nhờn luật"

Còn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, rừng phòng hộ thuộc loại rừng được Nhà nước bảo vệ, bất khả xâm phạm, và không có chuyện áp cơ chế thị trường đối với rừng phòng hộ. Cơ chế thị trường chỉ áp dụng với rừng sản xuất và rừng trồng.

"Pháp luật quy định thì trong rừng phòng hộ chỉ được làm lán, trại, nơi ở tạm cho công nhân làm việc trong rừng chứ không có nhà ở", GS nói. 

 Nhiều công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Theo GS Đặng Hùng Võ: "Tình trạng xây dựng các công trình trái phép ở rừng phòng hộ - là câu trả lời cho thắc mắc "tại sao hiện nay chúng ta mất rừng nhiều thế. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có các yếu tố khác như lâm tặc, cháy rừng".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc phá rừng để chuyển sang làm đất sản xuất hoặc làm nhà ở là tệ nạn rất lớn ở những nơi có rừng.

Vì lẽ đó, cơ quan công quyền phải xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm hành lang rừng phòng hộ, chiếm đất rừng phòng hộ.

"Nếu không xử lý nghiêm sẽ nhờn luật, sẽ có một cô ca sĩ khác đến mua đất rừng phòng hộ, xây biệt thự lại nói trường hợp Mỹ Linh được thì sao tôi lại không được. Đó là hệ lụy có thể nhìn thấy trước mắt", ông Võ nói.

Theo Cường Ngô/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều