Phú Quốc: Dự án treo hơn 10 năm vẫn chưa bị thu hồi

(Mặt trận) - Tháng 6/2017, UBND huyện Phú Quốc có văn bản số 60/TB-VP, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đinh Khoa Toàn liên quan đến dự án treo của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch Hải Lưu (Công ty Hải Lưu). Từ đó đến nay, gần nửa năm đã trôi qua nhưng dự án treo nói trên hầu như chưa có suy chuyển, trong khi người dân vẫn rất khó khăn nếu muốn đi ra biển bởi con đường công cộng đã bị đơn vị này lấn chiếm.

 Thông báo số 60/TB-VP của UBND huyện Phú Quốc.

Nhiều năm nay, người dân khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc đã làm đơn tố cáo đến các cấp có thẩm quyền, yêu cầu xử lí nghiêm sai phạm và những dấu hiệu dung túng cho sai phạm tại dự án “treo” hơn 10 năm nói trên. Đáng chú ý người dân nhiều lần kiến nghị trả lại con đường ra biển cho dân và thu hồi dự án treo là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên cho đến nay, không hiểu vì lí do gì tỉnh Kiên Giang chưa cho thu hồi dự án?

 Dự án treo hơn 10 năm, hầu như để hoang cho cỏ mọc…

Trở lại sự việc, ngày 18/8/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có Quyết định số 1334/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng trường Du lịch và Khách sạn Hải Lưu - Kim Anh, thuộc khu du lịch Bà Kèo - Cửa Lấp, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc tỉ lệ 1/500, do Công ty Hải Lưu lập. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng rộng 12.797m2, bao gồm 6.129m2 đất của Bưu điện huyện Phú Quốc, đã giao cho Công ty Hải Lưu 6.300m2 và đất đường giao thông hiện trạng rộng 3m.

Ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Kiên Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số A1 466980 cho Công ty Hải Lưu. Theo đó, con đường từ đường Trần Hưng Đạo đến ranh đất của dự án Công ty Hải Lưu, chiều dài khoảng 90m, mặt đường được quy hoạch rộng 7m; đường đất đỏ đi theo ranh phía bên phải đất dự án xuống đến biển, dài khoảng 200m, có chiều rộng mặt đường 3m.

 

Một hạng mục công trình của Công ty Hải Lưu xây lấn đường dẫn xuống biển

Tuy nhiên, từ khi được giao đất, cấp GCNQSDĐ, Công ty Hải Lưu không triển khai dự án.Không chỉ bỏ hoang dự án, Công ty Hải Lưu còn ngang nhiên lấn đường đi của dân và có những hành vi trái pháp luật khác như: Xây một nhà kiên cố giữa đường 3m, rồi xả thải xuống lòng đường, tự ý xây một cửa cống riêng trên đoạn đường công cộng 7m, có dấu hiệu cố tình đào hố “tử thần” trên đường công cộng, gây khó khăn cho xe và người dân đi lại; xây một bờ tường bằng đá lấn chiếm đường công cộng; lấy tôn, thiết ra rào chắn luôn cả đường công cộng, cản trở việc kinh doanh của các hộ dân; thuê bảo kê hủy hoại cột điện, dây điện của người dân xung quanh…

Thiết bị thi công bên trong dự án để mặc cho dây leo

Nhiều năm liền, các hộ dân liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan chức năng, nhưng không được giải quyết. Mãi đến ngày 8/4/2016, Văn phòng UBND huyện Phú Quốc mới có Thông báo số 46/TB-VP, về kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Tiến. Thế nhưng, những ý kiến chỉ đạo dường như chỉ nằm trên giấy, các vi phạm của Công ty Hải Lưu vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, để đến ngày 1/6/2017, Văn phòng UBND huyện Phú Quốc lại phải ban hành Thông báo số 60/TB-VP, về kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đinh Khoa Toàn như đã nêu ở trên. Tại Thông báo này, Chủ tịch UBND huyện giao: Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị chủ trì, phối hợp với UBND thị trấn Dương Đông khảo sát, kiểm tra… trong thời gian 20 ngày nếu không tự nguyện chấp hành, thì cưỡng chế theo quy định. Hoàn thành trước ngày 9/6/2017…

 

Đến biển dự án của Công ty Hải Lưu cũng thành phế tích.

Chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế mọi việc hầu như không nhúc nhích, đến nay gần nửa năm trôi qua, chưa công trình nào của doanh nghiệp bị tháo dỡ. Việc cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc không có động thái kiến nghị thu hồi dự án treo hơn chục năm, phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, không cưỡng chế các công trình xây dựng lấn chiếm đường đi của Công ty Hải Lưu, khiến dư luận nhân dân nghi ngờ đặt câu hỏi, liệu đây có phải vì lợi ích nhóm chi phối?

Theo Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng… dứt khoát phải thu hồi. Luật Đất đai năm 2013, tuy có nới rộng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhưng cũng có quy định, chỉ được gia hạn 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng (Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013).

Đương nhiên, dự án khách sạn của Công ty Hải Lưu không nằm trong trường hợp bất khả kháng. Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lí… Nếu thấy có sai phạm, phải ra quyết định thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. 

 

Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Đỗ Đông

Bình luận

Võ Thu Đông - 16:10 28/11/2017

Vì tại sao ko ai dám cưỡng chế?

Trả lời

Bùi Thị Phương Trang - 16:10 28/11/2017

Lại là đảo ngọc đảo mơ .

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều