Thấy và nghĩ: Đông mà không vui

Chưa bao giờ Hội đồng chức danh xét các học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ở nước ta lại vất và như đợt vừa qua, vì số lượng ứng viên quá đông, khiến họ phải làm việc cật lực. Cũng từ kết quả vừa rồi cho thấy lượng GS, PGS được công nhận năm 2017 đã tăng tới 60%. Theo lẽ thông thường, việc tăng nhiều số lượng GS, PGS như vậy chúng ta nên mừng vì nước ta có thêm nhiều nhà khoa học được vinh danh, được công nhận về những thành tích đóng góp cho nền giáo dục và nghiên cứu của nước nhà.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có một sự tăng nhanh chóng GS, PGS như vậy? Nhiều lý do được được ra là Bộ chủ quản chuẩn bị đưa ra áp dụng các tiêu chí mới theo hướng hội nhập với quốc tế và khu vực khi xét các danh hiệu GS, PGS. Do đó nhiều người nộp hộ sơ để xét đợt cuối này theo bộ tiêu chí cũ, chính vì vậy mà lượng hồ sơ tăng nhanh. Song điều này cho thấy, ở nước ta vẫn còn tâm lý “thích danh” nên không tránh khỏi sự ồ ạt nộp hồ sơ xét tặng. Cũng do sự bất thường này mà Thủ tướng đã yêu cầu rà soát lại hơn 1.226 hồ sơ, để loại bỏ đi những người không xứng đáng. Kết quả là có 94 hồ sơ cần xem xét lại và xác minh thêm do có đơn nặc danh tố cáo hoặc các tiêu chí còn chưa tương thích. Điều này cho ta thấy một thực tế không vui là dù số lượng GS, PGS có tăng lên, nhưng rõ ràng còn tồn đọng các vấn đề về chất lượng.

Việc tăng lên lần này cũng do có nhiều hồ sơ xét danh hiệu được gửi đến từ các cá nhân không thuộc các viện nghiên cứu và các trường đại học. Có một số hồ sơ gửi đến từ các đơn vị quản lý. Câu hỏi được nêu ra là các vị làm quản lý liệu có quá cần tới chức danh GS, PGS? Bản thân các chức danh này vốn dĩ được dành tặng để tôn vinh những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học với những nghiên cứu, đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà. Cũng từ đây, các tiêu chí để bình xét ngoài ngoại ngữ thì bao giờ cũng có điểm số cho công trình khoa học và giảng dạy, hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh. Vậy vấn đề đặt ra là khi còn phải chăm chú cho công tác quản lý thì các quỹ thời gian cho nghiên cứu và giảng dạy để liệu có đủ để công nhận GS, PGS? Và như vậy cái không vui của số đông kia chính là người dân và các cơ quan quan lý từ trước đến nay vẫn hoài nghi về tiêu chí và chất lượng. Rõ ràng tiêu chí, quy trình xét để công nhận chức danh GS, PGS vẫn chưa đồng nhất với niềm tin của công chúng về khía cạnh chất lượng. Tuy nhiên, nói vậy cũng phải hiểu là những trường hợp tiêu cực, ngược lại có rất nhiều người hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu GS, PGS vì những đóng góp của họ cho sự nghiệp khoa học và giáo dục. Theo kết quả năm vừa rồi, số lượng công trình nghiên cứu công bố quốc tế cũng tăng hơn so với năm trước, chứng tỏ không ít người đã ý thức việc chuẩn hóa các chức danh của mình và bắt kịp với xu hướng quốc tế.

Các cụ ta nói, “danh” phải gắn với “thực”. Khi danh không gắn với thực thì đó chỉ là “danh ảo”, đôi khi giải quyết khâu oai, hoặc gắn với các lợi ích nào đó từ cái danh đó mang lại mà không căn cứ trên thực chất năng lực. Nhìn lại việc lùm xùm trong việc phong tăng chức danh GS, PGS vừa rồi cho thấy: Có đông mà không vui.

Theo Hạnh Nguyên (Báo Người Công giáo Việt Nam)

Bình luận

Nguyễn Thị Đức - 09:40 28/03/2018

Học hàm, học vị cũng cần đi đôi với những đóng góp thiết thực. Cứ như thế này không khác nào vật trang trí, "sắm cho đủ bộ" lợi ích cá nhân thôi.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều