Tiền bẩn và những góc tối ​

Clip nhận cả trăm triệu tiền hối lộ đã được trình chiếu công khai trong phiên tòa xét xử vụ nữ cán bộ ngành thuế đòi ăn chia, như một hình thức bạch hóa chứng cứ. Nhưng bản án 7 năm tù lại chỉ là trừng phạt thuần túy khi nó không hề có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ăn chia của ngành thuế.

Bị cáo Nguyễn Thanh Nga, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế số 4 - Chi cục thuế quận 8 tại tòa. Ảnh: Tiền phong

Vụ án chỉ đơn giản thế này: Một cán bộ Chi cục thuế quận 8 sau rất nhiều lần sách nhiễu đã “ra giá” 15 triệu đồng mỗi tháng với một tiệm vàng và buộc “phải đưa 6 tháng một lần”. Nếu không “sẽ cho kiểm tra tăng thuế”.

Và khi vừa nhận 100 triệu đồng của tiệm vàng, với 90 triệu là tiền “lót tay” 6 tháng và 10 triệu tiền “phục vụ kiểm tra thuế” thì bị bắt quả tang.

Hội đồng xét xử TAND TPHCM, trước khi tuyên án ngày hôm qua đã cho trình chiếu clip nữ bị cáo nhận tiền tại phòng làm việc như một hình thức bạch hóa chứng cứ buộc tội...

Một clip được trình chiếu công khai có lẽ là thừa đủ để nhận chân hành vi phạm tội, nhưng lại chẳng mấy ý nghĩa trong việc biến phiên tòa trở thành một cơ hội để cảnh báo những góc khuất, góc tối của ngành thuế, nơi mà ăn chia và làm luật đã trở thành một thứ lệ.

Chúng ta nhìn thấy gì sau phiên tòa này?

Thấy thực tế mà đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa vừa gay gắt trong phiên chất vấn trước QH, rằng “sự minh bạch” là chưa đủ, rằng “tình trạng thông đồng giữa người nộp thuế”.

Rằng đó là sự mập mờ trong việc kê khai khoản nộp thuế.

Rằng đó là hậu quả thất thu ngân sách, không công bằng giữa các DN, tạo ra “cạnh tranh tiêu cực thông qua các mối quan hệ giữa DN với cán bộ thuế”.

Ngành thuế đang có một đội ngũ 71.000 cán bộ với mức lương bằng 1,8 lần lương cơ bản. Cồng kềnh là vậy, lương cao chót vót là vậy, nhưng kết quả cuối cùng là nợ đọng thuế có thời điểm 75.000 tỉ, là ở mức “vượt ngưỡng”.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến từng nói về những tồn tại đến bất cập của ngành thuế, rằng việc đưa cán bộ đi thu... nên xảy chuyện thỏa hiệp, chia đôi chia ba với người thu và 71.000 người hay hơn nữa cũng không giải quyết được tình trạng hụt thu, chừng nào vẫn giữ cách thu như thế này.

7 năm tù, rất đắt, nhưng sẽ chỉ là trừng phạt thuần túy cho những người bị lộ khi nó không hề có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ăn chia. 7 năm tù - một bản án nghiêm khắc - nhưng chừng đó là chưa đủ nếu nó thiếu đi những kiến nghị mang tính chất nhìn nhận những lỗ hổng và đưa ra giải pháp cho một cơ chế thu mà ở đó, ngành thuế vừa là người “định” mức đóng, vừa là người trực tiếp thu, vừa là người thanh kiểm tra. Và sắp tới, có khi còn có thêm quyền khởi tố, điều tra nữa.

Theo Đào Tuấn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều