Từ vụ Hiệp sĩ bị nhóm trộm đâm chết: Công an TP Hồ Chí Minh phải làm gì?

Hiệp sĩ bị đâm chết, trọng thương là thiệt thòi cho bản thân và gia đình họ. Công an TP HCM cần sớm tìm ra nhóm trộm cướp, hỗ trợ các hiệp sĩ.

Thật sự bàng hoàng, xót xa khi đọc những thông tin liên quan đến vụ trộm xe SH đâm chết 3 người, trong đó có 2 hiệp sĩ và làm trọng thương 3 người xảy ra đêm qua ở TP HCM. Dù rất khâm phục các hiệp sĩ về tinh thần nghĩa hiệp, quả cảm, nhưng nhiều người bày tỏ sự không đồng tình khi để những nhóm hiệp sĩ này đối đầu với trộm cướp như lực lượng công an, cảnh sát chuyên nghiệp. Thực tế diễn ra thời gian qua là quá nguy hiểm.

Hiện trường vụ án.

Họ - những hiệp sĩ đường phố, đều là những người dân lao động chân chính, là những trụ cột trong các gia đình. Họ tham gia bắt cướp, trừ gian chỉ vì tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Mọi việc làm của họ đều là tự nguyện. Tinh thần đó thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ, nhất là trong thời buổi có quá nhiều người thờ ơ trước những biến cố, tai nạn xảy ra trên đường phố.

Thế nhưng, việc để họ trở thành một lực lượng bắt cướp gần như chuyên nghiệp và xã hội đặt sự trông mong vào họ là điều không thể và không nên, luật pháp cũng không cho phép. Việc họ đang làm đối diện với nguy hiểm khôn lường, nhiều khi đối mặt với kẻ cướp có hung khí, súng đạn, trong khi các hiệp sĩ chỉ “tay không bắt cướp”.

Điều dư luận mong mỏi nhất lúc này là phải tìm bằng được những kẻ trộm cướp máu lạnh đã tẩu thoát trong đêm qua càng sớm càng tốt để ổn định tình hình, tinh thần cho người dân thành phố. Cùng với đó là việc phải kịp thời có sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho những gia đình có người chết, những người bị thương đang điều trị trong bệnh viện. Những con người này xứng đáng được quan tâm, chăm sóc và tôn vinh xứng đáng.

Nhân sự việc này, đã có ý kiến nhắc đến việc TP HCM cần xem xét lại đề xuất lập trở lại "Đội săn bắt cướp, trộm" lưu động do công an thành phố quản lý. Đội này cho phép có các tình nguyện viên (như các hiệp sỹ đường phố hiện nay) tham gia cộng tác với các quy chế, chế độ rõ ràng.

Hoặc, mô hình Cảnh sát 141 của Hà Nội cũng là cách làm tốt để TP HCM học tập.

Không biết những người lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có biết, mỗi khi bạn bè, người thân đi vào thành phố công tác hoặc du lịch thì đều được mọi người lưu ý là cẩn thận điện thoại, túi xách, bởi cướp giật ở Sài Gòn quá manh động.

Có lần, tôi được một người bạn làm trong ngành luật chở xe gắn máy đi trên đường phố Sài Gòn. Thấy tôi đeo chéo chiếc túi, anh bạn tôi vội bảo đưa cất vào trong cốp xe. Tôi nói trong túi không có gì đáng giá. “Nhưng cướp giật ở đây chúng đâu hiểu điều đó. Quan trọng là phải an toàn cho tính mạng của mình”, bạn tôi nhắc.

Còn nữa, nếu ngồi vỉa hè uống cà phê ở TP HCM, bạn không thể thoải mái cầm điện thoại thông minh lướt web… hoặc có lướt web thì cũng phải quan sát xung quanh, bởi đồ của bạn có thể bị cướp giật bất cứ lúc nào.

Đấu tranh phòng chống tội phạm, tố giác tội phạm… phải dựa vào dân nhưng không thể phó mặc cho dân. Dân chỉ là điểm tựa để các lực lượng chuyên ngành, trong đó có công an làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Còn người dân, dù muốn có hành động nghĩa hiệp đến bao nhiêu thì cũng phải biết đặt an toàn tính mạng của mình lên hàng đầu. Vụ việc xảy ra đêm qua thực sự là bài  học cho rất nhiều phía.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều