Để kinh tế tư nhân là động lực cuả sự phát triển kinh tế

(Mặt trận) - Sau 30 năm đổi mời, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về tăng trưởng và giảm nghèo ấn tượng. GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Tuy nhiên, các cải cách hiện tại đang dần đạt tới ngưỡng giới hạn, trong khi đó ở bên ngoài, môi trường toàn cầu đã có nhiều thay đổi lớn.

>> Rà soát công tác triển khai “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2017
>> Tập trung lựa chọn công trình tiêu biểu công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017

Hội nhập cũng khiến cho Việt Nam dễ bị ảnh hưởng hơn bởi sự dao động của thị trường hàng hóa, rối loạn tài chính trong nền kinh tế toàn cầu. Các thể chế thị trường trong nước vẫn chưa phát triển đồng đều và do đó, ngày càng gặp nhiều khó khăn khi đương đầu với môi trường kinh tế mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016. Ảnh: Hoàng Anh

Đây là một thách thức không nhỏ đối với chiến lược phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo. Do vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, là những yêu cầu cấp bách trong giai đoạn trung hạn tới đây nhằm phát huy các động lực cho phát triển bền vững, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và bẫy công nghệ thấp, chủ động ứng phó được các thách thức từ quá trình hội nhập quốc tế, thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Xu thế phát triển này của đất nước đòi hỏi phải khẳng định vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đối với phát triển. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển nền kinh tế phải là kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, khu vực KTTN cần phải trở thành một động lực cơ bản cho phát triển để thúc đẩy sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vai trò quan trọng của khu vực KTTN đối với phát triển ở Việt Nam ngày càng được khẳng định, song những tư duy và quan điểm về vai trò của khu vực KTTN vẫn chưa rõ ràng khiến thể chế chính sách vẫn tạo ra nhiều rào cản đối với khu vực kinh tế năng động này.

Chuyển biến tư duy về kinh tế tư nhân

Cho tới trước Đại hội XII của Đảng, những vấn đề chưa rõ ràng về lý luận và quan điểm về vai trò của các khu vực kinh tế, việc phân định vai trò của các khu vực kinh tế trong các Văn kiện của Đảng chưa thật gắn với yều cầu thực tiễn hoạch định chính sách. Quá trình đổi mới tư duy về khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta diễn ra rất phức tạp, song cuối cùng mọi tư duy, quan điểm đều không thể đi ngược lại đòi hỏi của thực tiễn. Vị thế cần phải có của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác lập là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là một trong những động lực của nền kinh tế.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, khu vực kinh tế tư nhân được chính thức công nhận với sự tồn tại của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1991, Đảng đã ban hành Nghị quyết phân tách 2 nhóm thành 5 thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tư bản tư nhân, tạo tiền đề cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Sau đó, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Các Văn kiện Đại hội VIII năm 1996, Đại hội IX năm 2001 đã tiếp tục khẳng định sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời mở rộng thêm các thành phần của khu vực KTTN. Như vậy, sau 4 kỳ Đại hội, sau khi khu vực KTTN được chính thức công nhận, Đại hội Đảng khóa X (2006) đã nhận định đây là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Tại Đại hội Đảng khóa XI (2011), Đảng đã chỉ đạo “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.

Đến Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), Văn kiện cũng chỉ rõ “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Về sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Đảng đã xác định: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quan điểm này khi đã được thể chế hóa, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc sẽ hoàn toàn xóa đi sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, nhất là giữa khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân cũng đã được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng”. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp” để phát triển doanh nghiệp nội địa.

Quá trình chuyển biến tư duy, quan điểm về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ việc chỉ coi khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, không làm rõ các động lực còn lại là những chủ thể nào, đến văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tư duy này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của khu vực KTTN, nhất là trong điều kiện Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và ngày càng hội nhập sâu rộng, tạo điều kiện cho sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, việc chưa chỉ rõ được sự phát triển của đất nước cũng như nền kinh tế có những động lực nào và động lực nào là cơ bản dẫn tới việc quan điểm, chủ trương chưa đi vào thực tiễn cuộc sống một cách rõ ràng và do đó, khu vực KTTN vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Mặc dù khu vực nhà nước đã có quan điểm thu hẹp lĩnh vực hoạt động nhưng mới dừng ở chủ trương, trong đó, khu vực kinh tế nhà nước sẽ thoái dần cho khu vực kinh tế tư nhân thực hiện vai trò động lực tăng trưởng, vì chỉ có khu vực KTTN mới có thể có sự năng động và từ đó tạo ra sự phát triển năng động cho nền kinh tế. Cần phải nhấn mạnh rằng, không thể đồng thời có một khu vực tư nhân cạnh tranh, năng động và một vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Những biện pháp can thiệp để duy trì vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước đã “bóp méo” sân chơi và hạn chế sự phát triển của khu vực KTTN.

Vai trò của khu vực KTTN

Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển nền kinh tế phải là kinh tế tư nhân. Trong báo cáo về Việt Nam đến năm 2035 của Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra 5 tiêu chí để Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035, trong đó tiêu chí thứ 4 là: tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%. Đồng thời, cũng chỉ ra 6 mũi phải chuyển đổi lớn, trong đó mũi thứ 3 là: Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.

Trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, vai trò của động lực của khu vực KTTN đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế được minh chứng bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, sự phát triển của khu vực KTTN dưói những hình thức tổ chức khác nhau là một trong những khía cạnh của thực hiện dân chủ hóa nền kinh tế: nhà nước có trách nhiệm và bảo hộ quyền tự do kinh doanh của công dân, từ đó cho phép huy động được các nguồn lực của ngưòi dân đầu tư vào phát triển.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực KTTN sẽ trực tiếp tạo ra một khối lượng của cải vật chất to lớn, đóng góp tích cực vào việc thỏa mãn nhu cầu trong nước, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba, sự phát triển của khu vực KTTN góp phần điều chỉnh việc phân bổ vốn đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng bảo đảm hiệu quả, gắn với nhu cầu thị trường, từ đó không những tăng khả năng tái đầu tư mở rộng khu vực KTTN, mà còn là tiền đề để tăng thu ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ tư, sự phát triển của khu vực KTTN góp phần giải quyết việc làm cho xã hội và thu nhập của người lao động. Đây là một trong những ưu thế của khu vực kinh tế ngoài nhà nườc vì mức đầu tư cho thêm một việc làm không cao và có khả năng hấp thụ nhiều loại lao động khác nhau.

Thứ năm, sự phát triển của khu vực KTTN tạo áp lực thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy cải cách khu vực KTNN. Một mặt, Nhà nước sẽ chủ động đổi mới hoạt động phù hợp với các nguyên tắc thị trường, tạo môi trường thông thoáng và bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Mặt khác, môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn sẽ tạo áp lực cạnh tranh và đổi mới khiến cho các doanh nghiệp dưới mọi hình thức sở hữu phải tăng quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm, để bảo đảm sự tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Thực tiễn khu vực KTTN Việt Nam

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định rõ vị thế và vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN đã phát triển rộng khắp tại tất cả các vùng miền trong cả nước và tham gia vào hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực KTTN có đóng góp lớn, gần 70%, trong cả tăng trưởng GDP lẫn tổng vốn đầu tư phát triển, chiếm ưu thế trong tạo việc làm cho xã hội. Nói cách khác, với đặc điểm mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và việc làm của Việt Nam, khu vực KTTN đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển. Vai trò của khu vực KTTN càng quan trọng hơn khi là động thực thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, tính bền vững của năng lực thực hiện vai trò động lực của khu vực KTTN chưa được thể hiện rõ. Nói cách khác, mặc dù chiếm số lượng đông song các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN ở Việt Nam không hoạt động tốt như mong đợi. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK, 2013) bộc lộ rằng trong năm 2011, các DNVVN, đại diện cho khu vực KTTN chỉ chiếm 13,6% tổng lợi nhuận trước thuế. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, số lượng DNVVN thua lỗ tăng mạnh. Mặc dù không có con số chính thức năm 2012 nhưng có thể lên tới 50.000 doanh nghiệp đóng cửa năm 2012.

Dù có sức vươn mạnh mẽ, song quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế. Xét về quy mô, đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam có qui mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 50 lao động chiếm gần 95% tổng số các doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp với trên 50 lao động chỉ chiếm khoảng 5% (2012) và có tỷ trọng ngày càng giảm trong giai đoạn 2000-2012. Các DN siêu nhỏ với số lao động từ 1 đến 5 người chiếm tỷ trọng rất cao (45% vào năm 2012).

Quy mô lao động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước có xu hướng nhỏ đi. Các doanh nghiệp có quy mô về lao động ngày càng giảm qua các năm (từ mức 79 lao động/DN năm 2000 giảm xuống còn 32 lao động/DN năm 2012), điều này đi ngược lại với xu thế chung của các doanh nghiệp trên thế giới. Sự sụt giảm này là do sự sụt giảm quy mô lao động trong khu vực DN tư nhân. DNNN luôn là khu vực có quy mô lao động lớn nhất cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả 3 khu vực và cao gấp 26 lần so với khu vực DNTN.

Bên cạnh đó, khu vực KTTN có rất hạn chế các mối liên kết chặt chẽ với các khu vực khác của nền kinh tế và với thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực hộ kinh doanh có qui mô còn nhỏ, được thể hiện qua việc bán sản phẩm đầu ra hay mua nguyên vật liệu đầu vào từ các khu vực khác ở mức thấp. Các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong nội bộ khu vực KTTN. Bên cạnh đó, khu vực KTTN còn thiếu vốn, mức độ đầu tư thấp, và khó trong việc tiếp cận tài chính.

Một điểm đáng lưu ý nữa là đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam có qui mô dưới mức tối ưu. Qui mô trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và có xu hướng ngày càng giảm, được nêu ra trong một báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là qui mô tối ưu của doanh nghiệp mà ở đó việc tiếp tục mở rộng hay thu hẹp đi đều làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp, thường không được thảo luận ở Việt Nam.

 Hình 1: Khoảng cách năng suất so với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ dưới 5 lao động (%).

Phân tích của Trung tâm Phân tích và Dự báo cho thấy quy mô tối ưu này khác nhau giữa các ngành. Đường màu đỏ trong hình 1 cho thấy phân bổ doanh nghiệp và cột màu xanh để chỉ chênh lệch năng suất so với doanh nghiệp có quy mô 1-4 lao động. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tập trung chủ yếu ở mức quy mô quá nhỏ, nằm cách xa với mức quy mô tối ưu ở hầu hết các ngành.

Sự thiếu vắng các doanh nghiệp có qui mô trung bình dẫn đến lao động của Việt Nam hoặc tập trung ở cực có năng suất và thu nhập thấp hoặc ở cực có năng suất và thu nhập cao. Việc tập trung lao động ở cực có thu nhập thấp không thúc đẩy được cầu nội địa cho sản phẩm công nghiệp gây cản trở đến tăng trưởng bền vững. Ngược lại, lao động tập trung ở cực có thu nhập cao ở một vài lĩnh vực, nhất là những nơi bị chi phối bởi các doanh nghiệp độc quyền dẫn đến tăng lương làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là tại sao các doanh nghiệp này không thể lớn lên được, cơ chế nào đã cản trở sự mở rộng quy mô này? Các nguyên nhân của sự thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lao động trung bình bao gồm:

1. Không có được hợp đồng phụ, tỉ lệ các doanh nghiệp có hợp đồng phụ là rất thấp và chủ yếu các hợp đồng phụ xảy ra giữa các doanh nghiệp nhỏ chứ không phải mô hình doanh nghiệp nhỏ sản xuất linh kiện cho doanh nghiệp lớn giống như ở Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc.

2. Các chính sách và quy định về lương của Việt Nam (như quy định mức lưởng tối thiểu hay chế độ bảo hiểm xã hội) chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp chính thức.

3. Giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam quá tập trung vào việc hướng cho học sinh thi đại học và coi nhẹ hướng nghiệp đào tạo nghề. Điều này là ngược hẳn với các nước có mô hình cân bằng như ở một số nước Đông Á như Đài Loan hay Hàn Quốc.

Để khu vực KTTN là động lực của sự phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ ra kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, từ việc xác định vai trò và tầm quan trọng của khu vực KTTN trong Nghị quyết với triển khai trên thực tế luôn có một khoảng cách nhất định. Trong khi đó, làn sóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam của khối FDI đang ngày càng gia tăng, và đe dọa lấn lướt các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm 20/2/2016 thì lượng vốn FDI đổ vào trong các dự án cấp phép mới lên tới 1,9 tỉ USD trong 291 dự án, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả này là do các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đã ký kết như TPP hay các FTA với EU và Hàn Quốc tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, trong khi số vốn và số dự án FDI vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng, thì dường như khối doanh nghiệp nội lại đang lạc nhịp với xu hướng tăng cường đầu tư đó, khi mà số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động lại đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, mặc dù đã được xác định là một trong những động lực phát triển của đất nước song nếu không có sự đồng thuận của toàn xã hội về vai trò của khu vực KTTN thì khó tránh khỏi tình trạng cơ chế chính sách “lúc thắt, lúc mở” gây khó khăn, cản trở cho khu vực KTTN phát triển và phát huy vai trò động lực. Do đó, việc bảo đảm sự đồng thuận xã hội là điều kiện tiền đề để phát huy vai trò của khu vực KTTN. Thêm vào đó, vai trò động lực phát triển của khu vực KTTN không phải là bản chất tự nhiên của khu vực này mà phụ thuộc vào mức độ quyết định đến năng lực nội sinh của khu vực này. Điều này đòi hỏi phải có thay đổi sự quản lý nhà nước cho phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nhằm khắc phục mặt yếu, phát huy mặt mạnh của khu vực KTTN để thúc đẩy vai trò động lực của khu vực này.

Cũng cần nhấn mạnh bối cảnh mới là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hiện nay đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ. Bản đồ sức mạnh của các doanh nghiệp cũng đang được vẽ lại: các tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong giai đoạn gần đây trong lĩnh vực công nghệ vượt mặt.

Do vậy, cũng cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy vai trò động lực của khu vực KTTN thông qua nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo: (1) thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; (2) dành ưu tiền đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tinh kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); (3) phát triển thị trường vốn dài hạn, và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo;

Đồng thời, để mang lại môi trường cạnh tranh và thúc đẩy sự năng động của khu vực KTTN, Việt Nam cần đổi mới thực hiện chính sách ngành phù hợp để (1) tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; (2) thúc đẩy một sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Việt Hà

Tài liệu tham khảo

- Bộ KH&ĐT (2012), “Sách trắng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp.

- Nguyễn Thắng, La Hải Anh và Nguyễn Thị Thu Phương (2015). “Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Thực trạng và thách thức phát triển”. Báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Giai đoạn II” do Trung tâm Phân tích và Dự báo thực hiện - TCTK (2013), “Báo cáo kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012”, Tổng cục Thống kê.

- Trần Thị Bích và La Hải Anh. 2015. “Doanh nghiệp dưới ngưỡng qui mô tối ưu tại Việt Nam: Liệu thể chế có phải nguyên do?”.  Báo cáo chính sách được xây dựng trong khuôn khổ của Mạng lưới nghiên cứu kinh tế Việt Nam (MERN).

- Văn kiện Đại hội Đảng các khóa VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII. - VCCI (2012), “Báo cáo chuyên đề: Thực trạng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ưu đãi”. - Vũ Hùng Cường (chủ biên), 2016. Kinh tế tư nhân - một động lực cơ bản cho phát triển. NXB Khoa học xã hội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều