94.000 người Việt chết mỗi năm vì ung thư

Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và rất tốn kém.

 Bệnh nhân ung thư phải xạ trị tại Bệnh viện K. Ảnh: T.LINH

Đó là những con số gây ám ảnh được đưa ra từ hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: Thực trạng và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành ung bướu trong nước và quốc tế do Bộ Y tế và Bệnh viện K phối hợp tổ chức ngày 3.11 tại Hà Nội.

70% trường hợp phát hiện, điều trị muộn

Tại hội nghị, GS-TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư đang gia tăng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo số liệu của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và thống kê của Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết, với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, ngành y tế và hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong kiểm soát ung thư.

Tại hội nghị, PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K thẳng thắn cho biết: “hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỉ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển”.

Thực tế cho thấy, không khó bắt gặp trường hợp bệnh nhân ung thư bị bệnh viện trả về do lúc phát hiện ra bệnh thì đã là giai đoạn cuối. Trường hợp chồng bà Nguyễn Thị D - 50 tuổi (Phúc Thọ - Hà Nội) mắc ung thư gan, lúc bệnh nhân thấy đau vùng mạn sườn phải thì mới đi khám, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân được nút mạch gan, điều trị hóa chất tại chỗ nhưng cũng chỉ duy trì được sự sống thêm gần 6 tháng. Hay chồng bà Phan Thị L - 56 tuổi(Cổ Nhuế - Hà Nội) bị ho rất nhiều, điều trị nhiều loại kháng sinh không khỏi, đến khi bệnh nhân ho và thấy đau tức vùng ngực, đi khám mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn. Bệnh nhân sống thêm được 6 tháng trước khi qua đời.

Phát hiện và điều trị ung thư muộn khiến cho bệnh nhân và người nhà suy sụp, và người dân đều nghĩ rằng ung thư là chết. “Hơn thế, cũng không thể bỏ không điều trị dù biết là người thân mình không sống được bao lâu nữa. Việc điều trị cũng hết sức tốn kém, gia đình tôi tốn tiền trăm triệu nhưng người thân vẫn cứ chết trong đau đớn, khổ sở” - bà D tâm sự. Đây cũng là lý do khiến cho ung thư trở thành cơn ác mộng đối với người dân hiện nay, ung thư là đi kèm với đau đớn, khổ sở, sự tốn kém và cái chết.

Tầm soát sớm ung thư chưa được BHYT chi trả

Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, các bệnh ung thư đến nay phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được, ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỉ lệ điều trị thành công 95%, giai đoạn 2 tỉ lệ khoảng 70-75 %, giai đoạn 3, tỉ lệ chữa khỏi đạt 65% nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỉ lệ thành công”- PGS-TS Trần Văn Thuấn nói.

Vấn đề đáng ngại hiện nay đó là việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. PGS-TS Trần Văn Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên toàn quốc sẽ giúp nâng tỉ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống bệnh;...

Giảm 30% tỉ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỉ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỉ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỉ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh ung thư so với năm 2015... 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh theo quy định...

Theo Thùy Linh/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều