Gia tăng ca mắc bệnh hô hấp, da liễu trong thời tiết nồm ẩm

Ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, phần lớn trẻ nằm điều trị nội trú mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sốt virus… Đây là căn bệnh dễ bùng phát khi thời tiết liên tục nồm, ẩm trong thời gian qua và những ngày tới. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân đến khám vì nhiễm khuẩn, dị ứng, trứng cá tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. 
Ảnh minh họa.
Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hô hấp

Có tiền sử bệnh viêm phổi từ sơ sinh, mỗi lần vào thời tiết nồm, ẩm, tình trạng của bé N.T.H (2,5 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại tái phát, uống kháng sinh nặng không dứt điểm. "Con đi khám bác sĩ ngoài liên tục, nhưng không dứt điểm được tình trạng viêm phổi, tôi phải cho con nhập viện", mẹ bé H. cho hay.

N.M.P (15 tháng tuổi, trú tại Minh Khai) ho dai dẳng vài ngày qua. Gia đình đã mua thuốc, trong đó có kháng sinh nhưng tình trạng của con không đỡ. Bé được mẹ đưa tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám xét. Bé gái được chẩn đoán viêm phổi, nhập viện điều trị nội trú.

Thời gian gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều cháu bé nhập viện mắc bệnh lý do thời tiết nồm, ẩm gây ra. Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho.

Theo chuyên gia này, tình trạng của trẻ nặng lên vì gia đình chủ quan không cho con đi khám để lấy đơn thuốc điều trị đúng bệnh, đúng liều lượng. Việc tự kê kháng sinh cho con hoặc sử dụng đơn cũ không đủ liều thích ứng cân nặng sẽ làm con bị kháng thuốc, bệnh dai dẳng.

Giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh. Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trong đó cần lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm trong thời tiết này như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...

Bác sĩ Mai dẫn chứng, với bệnh thủy đậu, dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

Sốt virus, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.

Bệnh sởi, là bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh, thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy bệnh lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong.

Ngoài ra, các bệnh hô hấp trẻ thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.

Bệnh tiêu chảy cấp cũng là bệnh dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay ký sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Mai, khi trời nồm ẩm, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do vậy, để phòng bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống, làm khô không gian sống; vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân; bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể...

Với trẻ nhỏ cần lưu ý tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Cẩn trọng bệnh da liễu mùa nồm ẩm

So với các mùa khác, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, virus ký sinh trùng, các tác nhân trong không khí gây tình trạng dị ứng, do vậy các mặt bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng, trứng cá tăng rõ rệt…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, gần đây, bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben… tăng lên. Ngoài ra còn các mặt bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Ước lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường", bác sĩ Vinh cho hay.

Với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác.

Cũng có không ít người bệnh bị bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… tình trạng nặng lên. Nấm da hay gặp ở người ra nhiều mồ hôi, quần áo ẩm ướt.

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ do không ý thức được nên hay gãi, cào... khiến tình trạng bệnh viêm da bội nhiễm thêm.

Bên cạnh đó, các bố mẹ cũng chưa có cách chăm sóc đúng như tìm các biện pháp dân gian: Tắm nước muối, nước lá hoặc nước bị nóng quá làm ảnh hưởng tới da của trẻ nhỏ.

"Bố mẹ cũng có xu hướng mua thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh không khỏi, có xu hướng nặng lên. Khi bố mẹ đưa con đến bác sĩ thì không còn là bệnh chẩn đoán ban đầu nữa, mà có thể là 1, 2 tình trạng bệnh khác nữa", bác sĩ Vinh nói.

Bác sĩ Vinh dẫn chứng, một số cha mẹ khi thấy con bị mày đay sẽ cho tắm lá khế, viêm da khô đỏ, tắm lá bạch đàn, xà cừ, sài đất… Các loại lá này không có tác dụng với bệnh vì cơ chế bệnh sinh không liên quan đến việc điều trị bằng lá cây. Lá cây có thể có chất sát khuẩn, nhưng nếu sử dụng nhiều quá có thể làm cho da khô, mất lớp lipit bảo vệ da. Bên cạnh đó, các loại lá cây, nước muối có một số thành phần không đúng khiến tình trạng da thêm nặng…

Một sai lầm thường gặp nữa, bố mẹ mua các loại thuốc lá, kem không rõ thành phần, có thể có corticoid… không phù hợp trong điều trị. Với thuốc nam, thuốc lá cũng tương tự dễ làm cho viêm da cơ địa chảy dịch nhiều hơn, đóng vẩy tiết dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da vốn đã bị tổn thương

"Chúng tôi đã gặp trường hợp viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác, tình trạng nặng, điều trị lâu dài…", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Với viêm da cơ địa không biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng bội nhiễm, phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Tuy nhiên, với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Theo HẢI NGÔ/Báo Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều