Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trồng dược liệu quý

(Mặt trận) - Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh vùng miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hiện các khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp đã và đang được hỗ trợ phát triển dược liệu quý, với mục tiêu giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống như tại các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Nam.
Trồng cây dược liệu quý là một trong những giải pháp thoát nghèo cho đồng bào DTTS và miền núi 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022, địa điểm triển khai thực hiện dự án dược liệu quý phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Một là, là huyện có xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hai là, huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; Ba là, có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao; Bốn là, đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000m trở lên so với mực nước biển.

Thông tư cũng quy định, tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210ha, bao gồm các khu vực: các vùng nuôi trồng dược liệu quý, khu vực nhà xưởng, cơ sở bảo quản, cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước trong hàng rào dự án. Ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có 30ha ứng dụng công nghệ cao.

Tổng diện tích triển khai dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao tối thiểu là 50ha bao gồm khu vực: bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, cây đầu dòng, giống gốc, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, sản xuất giống gốc, sản xuất giống thương phẩm, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước trong hàng rào dự án.

Đáp ứng các tiêu chí trên, với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây dược liệu quý, tỉnh Hà Giang đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu.

Với diện tích khai thác trên 380.000ha đất có rừng, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Hà Giang như Lao Chải, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); Tả Ván, Tùng Vài, Thái An (huyện Quản Bạ); Pờ Ly Ngài, Tả Sử Choóng, Ðản Ván (huyện Hoàng Su Phì)… ở đâu cũng có thể bắt gặp các loại cây dược liệu quý như thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện, lan kim tuyến, ba kích tím, hà thủ ô đỏ, thất diệp nhất chi mai… Nhờ địa hình đặc biệt cùng thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Hà Giang có tới 1.560 loài, 824 chi, 202 họ dược liệu, chiếm gần 40% số loài dược liệu hiện có ở Việt Nam. Trong đó có 51 loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa trong sách đỏ Việt Nam. 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp quốc gia.

Với lợi thế về địa hình, khí hậu, huyện vùng cao biên giới Đồng Văn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú như: thảo quả, hà thủ ô, đỗ trọng... Ngoài ra, nơi đây còn thích hợp trồng các loại cây như: đương quy, đan sâm, bạch chỉ, ý dĩ…

Xác định đây là những loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Hiện nay, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các xã: Phố Cáo, Phố Là, Ma Lé, Sủng Là, Sảng Tủng, thị trấn Phố Bảng...

Các mô hình trồng cây dược liệu ở Đồng Văn mang hiệu quả mang lại khá rõ nét. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hoạt tính cao, an toàn và cho giá trị lớn.

Trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang xác định phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi.

Trồng dược liệu là hướng đi mới cho đồng bào dân tộc thiểu số  

Yên Bái là khu vực khí hậu ôn hòa và là địa bàn chuyển tiếp hệ thực vật giữa vùng trung du với vùng núi cao; là điểm giao thoa khí hậu, hệ thực vật vùng Đông Bắc và Tây Bắc; là địa bàn nằm trên dải Hoàng Liên Sơn cách không xa tỉnh Vân Nam - nơi được mệnh danh là "vương quốc dược liệu" của Trung Quốc, nên huyện Văn Yên thuộc tỉnh Yên Bái cũng có những loài dược liệu phân bố nhiều ở Vân Nam.

Văn Yên cũng nằm trong địa bàn có sự xuất hiện của các loài dược liệu quý hiếm như: hoàng liên, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô, ngũ vị tử, bạch truật, thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng tinh hoa đỏ, hoa trắng, lan kim tuyến, dương đào, trà hoa vàng…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Văn Yên có 12 dân tộc cùng chung sống, dân tộc Kinh chiếm 52,86%, còn lại là các dân tộc khác. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 15,58%, dân tộc Dao chiếm 25,4% và hai dân tộc này nằm trong tốp đầu được đánh giá là những tộc người có nền y dược cổ truyền mạnh nhất ở Việt Nam.

Đặc biệt, huyện đang quản lý một thảm thực vật rừng rất lớn; trong đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu rộng khoảng 17.000ha, là nơi chứa đựng hàng nghìn loài dược liệu.

Huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung xác định cần có một chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng tiềm năng dược liệu và nguồn lực tri thức y dược cổ truyền, đây là trách nhiệm lớn lao trước kho tàng y dược cổ truyền vô giá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Tỉnh Nghệ An với địa hình đa dạng và phức tạp, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Không chỉ tạo nguồn nguyên liệu quý, các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân vùng đồng bào DTTS.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 3 dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho đồng bào DTTS, nhất là tại các huyện miền Tây của tỉnh.

Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000ha cây dược liệu, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Sâm Ngọc Linh là một trong những dược liệu quý 

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây dược liệu hiệu quả, qua đó không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng DTTS và miền núi, đồng thời góp phần bảo vệ rừng, hướng tới phát triển bền vững.

Quảng Nam có phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng hiện đạt 58,64% với nhiều loại cây dược liệu phong phú. Chính quyền địa phương xác định, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng vừa giúp người dân có thu nhập ổn định vừa bảo vệ rừng tránh thiên tai, bảo vệ thiên nhiên. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha.

Huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ba kích là một trong những loài dược liệu quý được địa phương đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha.

Trong những năm qua, các huyện trung du và miền núi tỉnh Quảng Nam đều chú trọng phát triển dược liệu. Tỉnh cũng có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển dược liệu như Nghị quyết số 194 năm 2015 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My; Nghị quyết số 202 năm 2016, Nghị quyết số 39 năm 2017 của HĐND tỉnh, Quyết định 301 năm 2018 của UBND tỉnh về quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh năm 2017 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều