Huyện Mê Linh hướng tới xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội

(Mặt trận) -Tối 9/12, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Mê Linh - TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020"; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng.

Dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh...

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Mê Linh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng lâu đời; quê hương của Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc.

Lãnh đạo TP Hà Nội trao quyết định chuẩn nông thôn mới cho huyện Mê Linh 
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên trên 14 nghìn ha, dân số khoảng 25 vạn người với 18 xã, thị trấn. Huyện có nhiều di tích lớn có giá trị văn hóa, lịch sử.

Được biết, về xây dựng nông thôn mới, đến nay 16/16 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí; huyện đạt 9/9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010).

Sau hơn 10 năm, huyện đã bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp.

Diện mạo huyện Mê Linh trong giai đoạn nông thôn mới 
Kết quả, đến hết năm 2022, toàn huyện có 75 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao…

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh: "Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị nêu rõ, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh được định hướng theo hướng phát triển đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới".

Giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh quán triệt, triển khai nghiêm túc và có hiệu quả các chương trình của Thành ủy gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ huyện Mê Linh cũng như các đề án thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân...

Qua đó huy động mọi nguồn lực giúp cho việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở hạ tầng nhất là khu vực nông thôn theo hướng đô thị văn minh, hiện đại đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nhất là ở khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030.

Huyện Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững; kinh tế phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; ANTT đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao.

Dương Lâm

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều