Thực tiễn kinh nghiệm và các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội

(Mặt trận) - Những đợt dịch vừa qua với biến chủng virus Delta và Omicron có khả năng lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt cơ bản làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương tặng quà chốt trực phòng, chống Covid-19 tại đầu cầu Vĩnh Tuy, tháng 4/2020. Ảnh Tuổi trẻ Thủ đô

I. Đặt vấn đề

Trong năm 2021 và 2022, song song với công việc chuyên môn được Nhà nước và Thành phố giao là tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có những kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan nhằm hạn chế thấp nhất những ca lây nhiễm và ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của cơ quan, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công chức và người lao động tại cơ quan. Bài viết dưới đây phản ánh thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội với nhiều mô hình, sáng kiến cũng như vận dụng các kinh nghiệm thực tế để phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

II.   Giải quyết vấn đề

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng phức tạp khó lường, căn cứ Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới, để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có Quyết định số 3576/QĐ-QHKT ngày 24/7/2021 thành lập Tổ Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Thông báo số 4318/TB-QHKT ngày 22/9/2021 phân công các thành viên trực phòng, chống Covid-19. Song song với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo và nhận được sự hỗ trợ tiêm chủng của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (2 mũi) và 01 mũi bổ sung của Bệnh viện Medlatec (mũi 3). Bệnh viện Việt Đức đã hỗ trợ Sở: Tiêm chủng cho con em cán bộ, công chức, người lao động cơ quan trong độ tuổi 12-17 tuổi. Hàng tuần, Sở đều quán triệt, tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công chức và người lao động nghiêm túc quy định 5K theo hướng dẫn Bộ Y tế, tổ chức xét nghiệm Covid-19, đồng thời có các văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn diệt khuẩn, tăng cường phòng chống lây nhiễm tại cơ quan và hướng dẫn các quy trình chuyên môn về y tế, tạo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thành phố nói chung.

Thực hiện Nghị Quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; đồng thời thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, đặc biệt là Thông báo mới nhất số 671-TB/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố và cũng để hoàn thành nhiệm vụ “kép”, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vừa chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh theo Quyết định số 1103-QĐ/TU ngày 04/6/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống dịch bênh và đã xây dựng các giải pháp để thực hiện trong cơ quan:

2.1. Các giải pháp chống dịch tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã thực hiện

- Đề nghị mỗi cán bộ, công chức, người lao động nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người, giảm thiểu tối đa các cuộc họp, tăng cường trao đổi công việc chuyên môn qua các trang thiết bị, phần mềm: Zalo, họp trực tuyến…; yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, người lao động theo dõi sức khỏe thường xuyên, trang bị kiến thức cơ bản về y tế khi bị nhiễm Covid-19 tại nhà, tránh tâm lý chủ quan, hoang mang, lo sợ…

- Tiếp tục tổ chức phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phun diệt khuẩn; thực hiện phòng, chống lây nhiễm tại Sở thường xuyên và khi cần (bất thường) nhằm phòng, chống dịch.

- Công đoàn cơ quan tổ chức xét nghiệm nhanh hàng tuần cũng như phát các kit test nhanh cho các cán bộ, công chức, người lao động để kiểm tra định kì, phát hiện nhanh và có văn bản báo cáo UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Sở Y tế Hà Nội đối với các trường hợp bị nhiễm, cũng như yêu cầu người bị nhiễm bệnh xét nghiệm ngay PCR để nắm được các chỉ số cơ bản CT, yêu cầu báo ngay với trạm y tế nơi ở để có biện pháp chăm sóc sức khỏe, phát thuốc tại nhà, giữ mối liên hệ thường xuyên với cơ quan Sở để có các biện pháp giải quyết khi cần thiết.

- Quán triệt, nhắc nhở cán bộ, công chức, người lao động giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ làm việc cá nhân, cần thoáng, nên mở các cửa sổ, cửa đi trong phòng làm việc cho không khí được lưu thông, không nên bật điều hòa, đóng kín cửa. Trường hợp có cá nhân, tổ chức đến làm việc, nên trao đổi nhanh gọn, tiếp khách tại tầng 1 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đảm bảo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

- Công đoàn Sở Quy hoạch - Kiến trúc luôn quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, động viên vật chất và tinh thần đối với những đoàn viên, công chức, người lao động cơ quan có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

2.2. Kinh nghiệm đúc kết chống dịch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Từ thực tế công tác phòng, chống dịch, một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc như sau:

Thứ nhất,  có sự  lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị cũng như đã nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi người là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; coi trọng sức khỏe, chăm lo, nâng cao đề kháng, sức khỏe, vận động từng cá nhân tuyên truyền sâu rộng phương pháp phòng, chống dịch để phổ biến cho mỗi gia đình; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của cơ quan Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh, chiến thắng của Thành phố Hà Nội.

Thứ hai, Sở Quy hoạch - Kiến trúc luôn bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chống dịch để cùng hỗ trợ nhau, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác chống dịch. Thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn tổ chức thực hiện. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời đối với những cá nhân, phòng ban, đơn vị trong công tác chống dịch.

Thứ ba, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự tham gia, đóng góp, chia sẻ công tác chống dịch của từng cá nhân, các sáng kiến hay, giải pháp hay, các loại thuốc uống, thuốc bổ tăng đề kháng được mang ra bàn luận, chia sẻ phổ biến trong cơ quan tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt nắm bắt các hoạt động chống dịch trên truyền thông, nhất là phát huy vai trò của mạng lưới truyền thông trên các phương tiện đại chúng, nghe nhìn, ti vi, báo đài, thiết bị điện thoại. Công đoàn Sở đã chủ động, tăng cường hợp tác, ngoại giao với các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viên Phổi Trung ương, Bệnh viện Medlatec, Bệnh viện Việt Đức để sớm tiêm các mũi 1, 2, 3 cho cán bộ, công chức, người lao động cũng như con em cán bộ, công chức, người lao động cơ quan độ tuổi 12-17 tuổi.

Thứ tư, cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Sở đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể (kể cả kịch bản cho tình huống xấu hơn) để tránh bị động, bổ sung nhân sự tại chỗ trong trường hợp người này bị F0, người khác sẽ đảm nhiệm công việc giúp cho người bị F0, đảm bảo hoạt động công việc xuyên suốt, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp của cơ quan, không bị bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội để thực hiện chiến lược linh hoạt, hiệu quả trong việc thông báo xét nghiệm, điều trị, cách ly tùy diễn biến dịch bệnh và điều kiện triển khai thực tế trên cơ quan. Công đoàn Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã bảo đảm công tác an sinh xã hội đối với người cơ quan trong vùng dịch, nhất là ở khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để cán bộ, công chức, người lao động yên tâm, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

III. Đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để có thể hạn chế, giảm số ca lây nhiễm, mắc bệnh Covid-19 tại Sở, tôi xin đề xuất, tham mưu thêm một số mô hình chống dịch Covid-19 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tuy không phải mới trong công tác phòng, chống dịch nhưng thiết nghĩ rất cần thiết trong giai đoạn dịch còn nhiều diễn biến phức tạp:

* Đối với cơ quan:

- Cơ quan Sở nên trang bị thêm máy đo thân nhiệt đặt trước cửa ra vào ở tầng 1, các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi đến làm việc cần nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện đo thân nhiệt, nhất là với số lượng khách đến làm việc khi đông cần đảm bảo khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m; trước khi vào cửa, quét mã QR, khai báo y tế, đồng thời phối hợp các đơn vị y tế tiếp tục phun khử khuẩn cơ quan hàng tuần, tăng cường họp nhóm Xalo, họp trực tuyến tại cơ quan; phòng ban, đơn vị tiếp tục quán triệt mọi người nghiêm túc việc chống dịch.

* Đối với Bộ phận Một cửa:

+ Thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác, cần bịt kín phần cửa kính bằng các tấm mika mỏng, nhưng vẫn có chỗ để tiếp nhận hồ sơ, nhằm đảm bảo hạn chế, không lây nhiễm trong không khí, khi trao đổi, nói chuyện công việc, thường xuyên đeo khẩu trang KN95, các loại khẩu trang kháng khuẩn,… đeo kính chống giọt bắn (tuy hơi khó chịu và mất chút mỹ quan nhưng rất an toàn) và thường xuyên xoa cồn hoặc đeo thêm găng tay khi làm việc tại Bộ phận Một cửa.

* Đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động:

+ Thường xuyên đeo khẩu trang KN95, các loại khẩu trang kháng khuẩn, đeo kính chống giọt bắn và thường xuyên xoa cồn hoặc đeo thêm găng tay khi làm việc.

+ Mỗi người cần trang bị cho mình bình xịt cồn nhỏ mini, nước rửa tay diệt khuẩn theo công thức khuyến cáo của WHO 500ml… vào các lọ nhỏ cầm tay mang đi, hoặc mua sẵn các lọ nhỏ 50ml - 100ml tại các cửa hàng thuốc đều có để chủ động xịt khi trao đổi công việc, làm việc với tổ chức, cá nhân kèm theo đó là xịt họng bạc hà chống vi khuẩn…

- Mỗi cá nhân nên và có thể tự trang bị thêm các máy xịt khuẩn, máy phun sương khử khuẩn phòng Covid-19… để làm sạch khu vực làm việc, chi phí các máy tự mua này cũng hợp lý, không quá cao mà hiệu quả diệt khuẩn rất tốt, sử dụng được nhiều lần.

- Mỗi cá nhân cần tăng cường tập thể dục thể thao, luyện những bài tập vận động cơ bản, toàn thân, khi làm việc căng thẳng nên dành 10-15 phút tự mình rèn luyện, mỗi ngày nên 2-3 lần tập thể dục là tốt nhất. Có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường thêm các chất như sau:

- Nhóm thực phẩm giàu chất bột đường (gạo, ngũ cốc, khoai, rau...)

- Nhóm thực phẩm giàu chất đạm (các loại thịt động vật: lợn, bò,… thịt gia cầm: gà, vịt,…)

- Nhóm thực phẩm giàu chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu,…)

- Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả: Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa: Vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm, các hoa quả, uống thêm nhiều nước hoa quả: cam, chanh cung cấp nhiều Vitamin C rất cần thiết cho cơ thể.

- Tăng cường uống nước ấm, ăn chín, uống sôi, ngâm súc họng nước muối hàng ngày.

- Sắp xếp chỗ làm việc khoa học, thoáng mát, thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chỗ làm việc, chỗ ở tại gia đình của mình, sắp xếp công việc khoa học.

Để kết thúc bài viết, tôi xin gửi kèm một bài thơ nhỏ, được viết tối qua với những cảm xúc về Thủ đô Hà Nội:

 

HÀ NỘI TRONG TÔI

 

Em ơi, nếu chiều nay anh chưa kịp về

Em chớ buồn và chớ lo âu quá nhé

Nhớ chăm con và động viên Mẹ Cha, em à!

Bởi đại dịch anh chẳng thể ngồi yên

Khi Covid lan tràn trên đất nước thân yêu

Có trong đó là Hà Nội yêu dấu!

Anh nghĩ suy cùng anh em tìm phương án

Chống Covid là trách nhiệm toàn dân

Lòng hỏi lòng nhắc anh em và bè bạn

Gia đình mình và những người thân thương

Nhớ xoa cồn và đeo khẩu trang đúng cách

Uống nước ấm và ăn thêm nhiều Vitamin

A, B hay C đều tốt cho sức khỏe

Muốn miễn dịch phải cần chăm thể thao

Phun khử khuẩn và súc nước muối hàng ngày

Ôi Covid, em còn đâu mà sống

Diệt giặc rồi, Hà Nội bốn mùa hoa

Phố đông vui, đường san sát tiếng cười

Nghe đâu đây rung rinh trong cành biếc

Chim hót vui chào đón ánh bình minh

Rồi trẻ thơ các em cắp sách đến trường

Để cô giáo mỉm cười trên bục giảng

Rồi đồng lúa rộn vang tiếng máy cày

Để công trường vang mãi bài ca xây dựng

Để Hà Nội “đô thị” xanh những hàng cây

Âm vang mãi, Văn hiến với ngàn năm!

 

                                                                          Trần Trung Hiếu  - Sở Quy Hoạch - Kiến trúc Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều