Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh trong đại dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.
 Đại diện phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) trao tiền hỗ trợ và nhu yếu phẩm cho người lao động trên địa bàn. Ảnh: MINH HÀ
Nhiều chính sách chưa có tiền lệ

Đã có khoảng 70 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ được triển khai thực hiện; trong đó có ba gói hỗ trợ an sinh lớn theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ là 26.000 tỷ đồng, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí 38.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: “Nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách”. Đến nay có thể thấy các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết ngày 21/12/2021, trong hai năm 2020-2021, đã có 13,29 triệu đối tượng được hỗ trợ với tổng kinh phí 13,28 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được giao chủ trì thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021, số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc là hơn 31,69 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 27,37 triệu lượt đối tượng (gồm 378.038 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 27 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12,24 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.707 tỷ đồng), Hà Nội (2.345 tỷ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.659 tỷ đồng), Bắc Giang (738 tỷ đồng)... Về kinh phí, theo tính toán dự kiến ban đầu không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ (gói 26 nghìn tỷ đồng) đến nay đạt 48,53% kế hoạch dự toán.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí là gần 24,5 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hơn 15,12 triệu đối tượng. Trong đó: Hơn 1,13 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với tổng số tiền 3.942 tỷ đồng; 14.203 người lao động mang thai và 247.806 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức một triệu đồng/người; 678.243 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí 441 tỷ đồng. 41.875 trẻ em, năm người cao tuổi và bốn người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức một triệu đồng/người... Đồng thời, hơn 14,43 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 18,77 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,...

Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được xem là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ trong vòng năm ngày (từ ngày 1 đến 5/10/2021) thực hiện Nghị quyết số 116, cơ quan bảo hiểm xã hội trên cả nước đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với số tiền điều chỉnh giảm hơn 7.595 tỷ đồng; và chỉ sau một tháng triển khai cơ bản đã có 80% người lao động được nhận gói hỗ trợ này. Đến ngày 20/12, theo thời hạn cuối thực hiện Nghị quyết số 116, đã hoàn thành toàn bộ việc xác nhận các thủ tục cho người lao động, và đến nay cơ bản hoàn thành 100% việc chi trả cho gần 13 triệu người lao động.

Đồng thời, một số chính sách an sinh khác cũng đã kịp thời triển khai, như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 45 tỉnh, thành phố hỗ trợ 13,98 tỷ đồng cho 2.706 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức năm triệu đồng/trẻ em với số tiền 13,53 tỷ đồng) và 452 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 với số tiền 452 triệu đồng. Cùng với chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ của địa phương và vận động nguồn lực xã hội cũng như của nhân dân, chúng ta đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp. 

Tập trung phục hồi và phát triển thị trường lao động

Có thể thấy, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, thị trường lao động việc làm đã bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm 2021 là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so quý trước và giảm 2,7 triệu người so cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. Dẫn tới tình trạng tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so quý trước và tăng 620 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá, nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp thì khả năng thị trường lao động sẽ trở lại bình thường vào cuối quý I và đầu quý II/2022. 

Ngày 13/12 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1405 kèm theo Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.
 
Chương trình tập trung vào sáu mục tiêu cụ thể: Trước hết, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn tạo việc làm cho người lao động nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững cho người lao động. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía nam. Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung-cầu lao động; tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp mặt, trao đổi thông tin về lao động, việc làm. Và cuối cùng là giữ vững quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Chương trình cũng khẳng định, phục hồi thị trường lao động nhưng vẫn phải tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân, người lao động lên trên hết. Gắn chặt việc phục hồi và phát triển thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của cả nước và từng địa phương.

Theo NGUYÊN KHANG/Báo Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều