Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang

(Mặt trận) - Tuyên Quang là địa bàn có đông người Dao sinh sống. Đồng bào Dao ở Tuyên Quang có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc, trong đó Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao.

Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao quần trắng, xã Chân Sơn (Yên Sơn –Tuyên Quang).  Ảnh minh họa

Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng.  Nghi lễ được thể hiện qua việc đối tượng thụ lễ nhận một chứng chỉ gọi là "sắc". Người thụ lễ được nhận "sắc" thông qua một loạt những nghi lễ do thầy cúng thực hiện. Việc thực hiện các nghi lễ cấp sắc được diễn ra trong một "không gian thiêng", "thời gian thiêng" với sự chứng kiến của các bậc thần linh…

Thời gian làm lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang thường được bắt đầu từ tháng chín Âm lịch năm trước kéo dài sang tháng ba Âm lịch năm sau. Việc cấp sắc ở các nhóm Dao phải tuân thủ theo thứ tự: cấp cho bố rồi mới cấp cho con, cấp cho anh rồi mới cấp cho em. Anh em trong cùng một họ có thể tổ chức cấp sắc một lần ở bậc ba đèn. Riêng ở bậc bảy đèn hoặc mười hai đèn chỉ có thể cấp cho một người. Tuy nhiên, hiện nay, vì lý do kinh tế, người ta có thể kết hợp làm lễ hai bậc (ba đèn và bảy đèn) cho một người...hoặc cấp cho nhiều người cùng bậc trong một lễ.

Do quan niệm, cấp sắc là một công việc lớn trong gia đình, dòng tộc, cho một đời người, nên sự chuẩn bị cho một lễ cấp sắc là rất công phu, chu đáo. Mục đích là để thánh thần, tổ tiên chứng kiến và phù hộ cho lễ vật dùng vào việc tế lễ sau này.

Song song với những công việc trên, gia đình có người chuẩn bị cấp sắc còn phải nhờ một người phụ nữ đã hết tuổi sinh đẻ, biết nấu rượu ngon đến nấu rượu. Hai hũ rượu này được nấu rất cẩn thận và cất giữ phía sau bàn thờ, tránh để người lạ nhìn thấy. Tiếp đến là việc chuẩn bị giấy và quần áo cho người được cấp sắc. Trang phục của người thụ lễ cũng được chuẩn bị khá công phu. Đi với trang phục là mũ của người được cấp sắc. Nếu ở bậc ba đèn thì có thể dùng một loại mũ, cũng có thể là khăn vấn nhiều vòng. Nhưng ở bậc bảy đèn thì nhất định phải có hai mũ.

Các gia đình có người được cấp sắc ở bậc ba đèn thường mời ba thầy làm lễ: một thầy cả, một thầy làm chứng và một thầy giúp việc. Nếu ở bậc bảy đèn phải mời bảy thầy, trong đó thầy cả thường là ông cậu của người thụ lễ, còn những thầy khác là anh em họ hàng càng tốt, nếu không có thì mới mời đến thầy ngoài.

Lễ cấp sắc của người Dao huy động tổng hợp các loại hình nghệ thuật để phục vụ cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Tất cả các loại hình như âm nhạc, kiến trúc, thánh ca, diễn xướng... (bao gồm nhảy múa, trình diễn lễ nghi...) đều hoà quyện vào nhau, đổi thay rất phong phú và đa dạng. Các loại nhạc cụ dân tộc như trống, kèn, thanh la, chuông con, kèn pí lè, tù và... được sử dụng trong lễ cấp sắc cùng hòa tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, hấp dẫn. Trong lễ cấp sắc có điệu múa chuông trang trọng, khỏe khoắn, rộn ràng và vui tươi, đã được khai thác và biên tấu phù hợp để phục vụ đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân tộc Dao.

 

Tranh thờ chính trong Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, những điệu nhảy độc đáo cùng bộ tranh thờ 18 bức vẽ các nhân vật và sự tích Đạo giáo là những tác phẩm hội họạ có giá trị nghệ thuật cao. Trang phục trong lễ cấp sắc thể hiện sinh động tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ cũng như tài năng lao động sáng tạo của đồng bào Dao. Lễ cấp sắc thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào Dao Việt Nam.

Với những giá trị đặc sắc, tháng 11/2013, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, có tính chất giáo dục đối với thế hệ trẻ ngày nay cần phải được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy nét độc đáo của nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, ngành văn hóa tỉnh Tuyên Quang có những giải pháp cụ thể, thiết thực như tổ chức các buổi ghi hình, ghi âm, viết sách và lập hồ sơ chi tiết về lễ cấp sắc để lưu giữ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp cận những lễ cấp sắc của người Dao tại cơ sở để hướng dẫn loại bỏ những yếu tố rườm rà, có tính chất mê tín, chỉ kế thừa và lựa chọn những yếu tố, chi tiết có nhiều giá trị về nhân văn để tiếp tục phát huy lễ cấp sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao; tổ chức các hoạt động cho học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế về Lễ cấp sắc, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa vùng, miền... Đồng thời, tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp trong công tác bảo tổn văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân tộc Dao ở cơ sở…

Nhiều câu lạc bộ quy tụ được các thành viên nòng cốt là những người am hiểu văn hóa Dao được thành lập. Hiện toàn tỉnh có 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với hàng trăm hội viên. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay tỉnh đã tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 29 -30/9 tại thành phố Tuyên Quang với sự tham gia của 12 tỉnh, thành mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước”. Việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn, thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các địa phương đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao.

Tiếp đó, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc năm 2022 đã được tổ chức tại Thái Nguyên ngày 6-8/10 với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Dao 14 tỉnh Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”,  Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Sự kiện này cũng nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Với mong muốn Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS. Tỉnh Tuyên Quang còn tập trung phát triển mô hình Làng Văn hóa Du lịch. Trong đó phải kể đến Làng văn hóa thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) nơi có dân tộc Dao Tiền chiếm 99% dân số. Đồng bào dân tộc Dao Tiền vẫn gìn giữ, lưu truyền được Lễ cấp sắc, hát páo dung... tạo nên nét văn hóa độc đáo, riêng có của thôn. Văn hóa ẩm thực trong thôn với nhiều món ăn, sản phẩm hấp dẫn, độc đáo của dân tộc được duy trì, phát triển như: Cá chép ruộng, lợn bí, gà đồi, rau cải nương, rau su su, bí thơm, rượu nếp… Trong quý I năm 2023, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái thu hút được trên 8.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân nơi đây.

Hiện nay, thôn Khâu Tràng có 9 Homestay, 2 nhà nghỉ phục vụ cùng lúc trên 400 du khách có nhu cầu lưu trú, ăn uống, sinh hoạt tại các hộ gia đình. Ngày 2/9/2023 Làng văn hóa du lịch thôn Khâu Tràng chính thức đón nhận quyết định trở thành Làng văn hóa du lịch.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp, bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói chung và Lễ cấp sắc của người Dao nói riêng trên địa bàn Tuyên Quang đã được gìn giữ và phát huy. Người Dao ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, lành mạnh, tiến bộ, góp phần tạo nên “bức tranh” văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều