Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Thái

(Mặt trận) - Thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Các bản làng người Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian, những điệu dân ca, dân vũ dân nhạc độc đáo nổi bật là những điệu xòe mê đắm lòng người.… nơi đây văn hóa truyền thống của người Thái đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Thị xã Nghĩa Lộ nằm trọn trong cánh đồng lớn thứ 2 khu vực Tây Bắc đó là cánh đồng Mường Lò và là một trong những cái nôi phát tích của người Thái cổ.  Nói đến sinh hoạt văn hóa của người Thái là nói đến hội hè, các trò chơi và vũ nhạc dân gian, trong đó nổi bật các điệu múa Xòe – một đặc sản văn hóa vốn khởi nguồn chỉ có riêng ở người Thái.

 Với người Thái, hội hè trong năm diễn ra rất đa dạng và đậm chất văn hóa Thái. Lễ hội dân gian là một phần thiết yếu trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Thái, theo chu kỳ một năm, đồng bào có nhiều lễ hội lớn mang tính chất cộng động làng bản như: lễ xên bản, xên mường, xên đông, lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng, lễ hội xên lẩu nó, lễ hội xé then… cho tới các lễ hội trong phạm vi gia đình như các nghi thức cúng vía “tám khuôn”, các lễ cúng ruộng “tám tế na”, cúng vía trâu “tám khuôn quai” hay các nghi thức khác liên quan tới thờ cúng tổ tiên và các nghi thức gia đình mà trong đó tết “Síp xí” rằm tháng bảy là một trong những tết lớn nhất của người Thái. Hàng loạt hội hè kéo dài từ đầu năm đến hết năm, từ hội đón Xuân, hội săn bắn, hội đánh cá,… đến các hội xên mường, xên bản, xên hươn, lễ “kin pang”, hội hoa ban,…

Xòe Thái được đưa vào tất cả các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Ảnh minh họa)

Múa Xòe là hình thức sinh hoạt dân gian truyền thống, có lẽ đã gắn bó với đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc từ thuở khai sơn khởi thủy. Xòe vốn là điệu múa dân gian được hình thành từ múa tín ngưỡng trong các nghi lễ, phần nào thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ, về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay)…

Năm 2016, xòe Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái) được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh năm 2021.

Cùng với các điệu xòe của dân tộc Thái thì nhạc cụ chủ thể đi cùng nó là Khèn bè. Chiếc khèn bè là nhạc cụ quan trọng nhất của người Thái Mường Lò, tiếng khèn bè thường được sử dụng trong múa xòe, những lễ hội truyền thống, những dịp trọng đại, cũng có khi tiếng khèn là giai điệu hò hẹn, cầu nối tình yêu.

Khèn bè là nhạc cụ bộ hơi được chế tác từ các ống nứa tép, loại nứa bánh tẻ, thân nhỏ, mỏng, ít mấu và tương đối đều nhau. Những cây nứa này mang về phơi nắng một tuần, qua nắng và nhiệt độ môi trường như vậy, những cây cong vênh hoặc bị lép thì sẽ loại bỏ. Cây nứa đã chọn được sẽ đưa vào bếp lửa ở nhiệt độ cao, cây nứa sẽ mềm ra và nghệ nhân làm khèn sẽ uốn thật thẳng, vót nhẵn mặt bên ngoài và cắt thành những ống dài ngắn khác nhau theo kích cỡ quy định của khèn bè. Tiếp theo người ta đưa dùi vào trong than củi của bếp lửa cho đủ nóng và dùi các lỗ cái trên các đầu ống nứa để dẫn hơi qua.

 

Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc Thái Mường Lò biểu diễn khèn bè trong đêm văn nghệ kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: nguồn Internet

Tại thị xã Nghĩa Lộ, các nghệ nhân người Thái đã sáng chế ra cây khèn bè cao 2m, chiều ngang 5m và được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2017

Sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cây khèn bè được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam ở Nghĩa Lộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đối với thị xã Nghĩa Lộ đang trong lộ trình xây dựng thị xã văn hóa, du lịch, sự kiện này càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức và hành động bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa và biến những giá trị ấy trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút du khách.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn xòe Thái và khèn bè đã được Thị xã Nghĩa Lộ làm rất tốt. Nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào và nhân dân địa phương, chính quyền và người dân Thị xã Nghĩa Lộ cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của Xòe bằng nhiều hình thức.

Thị xã đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Xòe Thái dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thống, trên nền tảng mạng xã hội; qua các chương trình quảng bá văn hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước; in ấn các ấn phẩm, khuyến khích các hoạt động sáng tác về những nét đẹp của Xòe Thái trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Mường Lò - Nghĩa Lộ và các hình thức tuyên truyền trực quan thông qua các pano, áp phích, biển quảng cáo,...Tích cực mở các lớp truyền dạy thông qua mạng lưới bảo tồn, các nghệ nhân, những người am hiểu về xòe Thái; thành lập các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ dân gian để duy trì hoạt động xòe Thái trong cộng đồng, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống tầm cỡ như: Lễ hội Xên đông, Rằm tháng Giêng, lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò…. phục vụ khách du lịch. Hiện thị xã Nghĩa Lộ đã có 115 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng thành thạo các điệu xòe.

Đặc biệt, phòng Giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào một loạt các hoạt động trong trường học. Cụ thể: 100% các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS tổ chức múa xòe vào giờ giải lao giữa giờ; đối với các trường có đông người dân tộc Thái, các nhà trường đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào phát triển xây dựng trường học học thân thiện, trường học hạnh phúc, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm.

Đồng thời, tôn vinh và phát huy vai trò của các nghệ nhân trong lĩnh vực thực hành nghệ thuật Xòe Thái để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản Xòe Thái. Thị xã cũng sẽ tiếp tục tư liệu hóa di sản Xòe Thái thành các ấn phẩm lưu trữ như sách, đĩa CD,… để làm nguồn tư liệu lâu dài, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Xòe Thái.

Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được tỉnh Yên Bái quan tâm triển khai hiệu quả khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực; tiếp tục nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, để giữ gìn bảo tồn, phát huy sự độc đáo của khèn bè. Thời gian qua, các cấp chính quyền thị xã đã ban hành Kế hoạch "Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị nhạc cụ khèn bè của dân tộc Thái vùng Mường Lò năm 2020” ngày 27/2/2020 của UBND trong đó đề ra mục tiêu: thị xã có từ 5 - 10 người chế tác thành thạo và có khả năng truyền dạy việc chế tác khèn bè của dân tộc Thái, có 100 - 150 người thuộc mọi lứa tuổi trên địa bàn sử dụng thành thạo khèn bè. Theo kế hoạch, thị xã sẽ còn mở thêm 3 lớp sử dụng khèn bè trong thời gian tới. 

Ngoài ra, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phát triển các điểm du lịch cộng đồng và đón khách du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã hình thành hai điểm du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An (thôn Xà Rèn) và Nghĩa Lợi với trên 20 hộ dân tham gia và thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước, quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Thái và thành lập riêng câu lạc bộ chế tác và sử dụng khèn bè; duy trì chương trình văn nghệ tối thứ 7 và xây dựng các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ phục vụ tại các homestay, trong đó chủ yếu giới thiệu về các điệu múa xòe dân gian của đồng bào dân tộc Thái, bởi đây là cơ hội để sử dụng và quảng bá các nhạc cụ dân tộc Thái. 

Thị xã cũng sẽ quan tâm quy hoạch và bố trí nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó chủ đạo là nhạc cụ khèn bè nhằm vinh danh chiếc khèn bè xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam và trưng bày triển lãm các sản phẩm khèn bè cũng như trình diễn khèn bè, góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc và quà lưu niệm cho du khách.

Việc khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch của người Thái Mường Lò tạo động lực giúp Nghĩa Lộ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị văn hóa di sản trong tương lai như Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2023 vừa qua.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều