Đắk Nông: Nhân rộng các mô hình kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Những năm qua, bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ và của tỉnh, huyện Đắk Nông đã hỗ trợ và hướng dẫn đồng bào DTTS và miền núi xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sản xuất, mở ra hướng sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn.
Nhiều mô hình kinh tế của đồng bào DTTS tại Đắk Nông đang phát huy hiệu quả

Ngày 15/6/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 366/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 (Chương trình) trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình 3.657,13 ha; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho BQL rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế; diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã trực tiếp quản lý 1.843,30 ha; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung 55,00 ha; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình 20,00 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình 900,00 ha. Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ DTTS còn nhiều khó khăn.

 

Đồng bào DTTS ở Đắk Nông vươn lên thoát nghèo

Tỉnh Đắk Nông đã tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã thuộc huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.

Từ đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội nông dân tỉnh Đắk Nông đã triển khai 225 mô hình kinh tế, với 1.830 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư đạt 59 tỷ đồng. Thông qua nguồn quỹ, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Nổi bật như: mô hình hỗ trợ trồng cây mắc ca cho 6 hộ dân vùng đồng bào DTTS tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), mỗi hộ được hỗ trợ 100 cây giống; mô hình trồng gấc tại xã Cư K’nia (huyện Cư Jút), gồm 30 nông dân tham gia, với tổng vốn hỗ trợ là 750 triệu đồng; mô hình đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo từ chăn nuôi bò tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong)...

Là huyện nghèo , Tuy Đức có 6 xã, 34 bon, 33 thôn và 6 bản, với 24 dân tộc cùng chung sống, dân số 67.622 người. Trong đó có 5 xã và 50 thôn, bon, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai Chương trình, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng mô hình sản xuất giỏi, thành lập các tổ, nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế; gắn với đào tạo nghề và nâng cao năng lực cho người nghèo từng bước phát huy hiệu quả… Huyện Tuy Đức đã tập trung nguồn lực, khoa học kỹ thuật, khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  Tại huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, rau xanh, khoai lang, mắc ca… phát triển theo quy hoạch. ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp ở một số khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch và chế biến. Tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80-95%, năng suất tăng từ 5-10%. Như đầu tư phát triển sản phẩm khoai lang Nhật khoảng 10hatheo quy trình VietGAP với kinh phí 566 triệu đồng. Mô hình này đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 15 tấn/ha, chất lượng củ loại 1 đạt trên 80%;  diện tích trồng cây mắc ca là 2.130ha, trong đó có 1.240 ha đã cho thu hoạch với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng trên 1.350 tấn.

Cũng như Tuy Đức, các xã thuộc huyện Đắk Glong đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giỏi, có hiệu quả, tổ chức triển khai nhân rộng. Tại các thôn, bon thành lập các tổ, nhóm giúp đỡ, tương trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế. Địa phương gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế hay tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Đắk GLong được đánh giá là một trong những huyện giàu tiềm năng và hội tụ đủ mọi yếu tố nằm trong định hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông: Công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp và du lịch, trong đó nổi bật là các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn cho Đắk Glong đó là bản sắc văn hóa độc đáo với điểm nhấn là văn hóa lễ hội cồng chiêng của đồng bào dân tộc M’nông và Mạ. Các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, những bản sử thi truyền đời của đồng bào M’nông,... là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, nhân văn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên địa bàn huyện có Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng rộng hơn 22.000ha, có đỉnh Tà Đùng cao gần 2.000m, là núi cao đứng vị trí thứ ba của Tây Nguyên. Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, như: Vui chơi giải trí (hồ - đảo, cụm thác dưới tán rừng), du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại, nghiên cứu sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch tín ngưỡng.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều