Giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

(Mặt trận) - Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng cho các địa phương cả nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nói riêng là đòi hỏi khách quan và cấp thiết. Phát triển du lịch cộng đồng bảo đảm tối ưu hóa các lợi ích về kinh tế, xã hội của địa phương và cải thiện đời sống đồng bào; góp phần thực hiện thắng lợi công tác xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với đặc thù của huyện vùng cao, có tổng diện tích tự nhiên là 77.796 ha, dân số khoảng hơn 60.000 người. Đây là điểm tiếp giáp với huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); các huyện Phù Yên Vân Hồ (tỉnh Sơn La); huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ). Với diện tích rừng bao phủ lớn (chiếm gần 37%) và có địa hình đồi, núi, sông, suối xen kẽ, nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu lý tưởng, pha trộn cùng nét bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc: Tày, Dao, Mường, Kinh, Thái,… đã tạo cho Đà Bắc không gian du lịch cộng đồng hấp dẫn, ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh với tỷ lệ tăng trưởng cao, du lịch cộng đồng ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhận thức rõ những tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mở ra hướng đi mới nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy, thực hiện nhiều giải pháp “khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ” thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề như:

Nghị quyết số 09-NQ/HU về công tác phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức như: Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp về các sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây là cơ sở pháp lý thúc đẩy du lịch cộng đồng của huyện từng bước khởi sắc, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng thành ngành kinh tế quan trọng của huyện theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật như: bãi đỗ xe, trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu khách nghỉ dưỡng,… với tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất đạt 23.667 triệu đồng; tạo cơ chế để hộ gia đình, bà con dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng từ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế và nguồn vốn công tác xã hội hóa.

Xóm Đá Bia là một xóm nhỏ người Mường Ao Tá nằm ngay cạnh hồ Hòa Bình . Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN 

Hiện nay, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình có 4 bản du lịch cộng đồng và nhiều cơ sở lưu trú dạng homestay đón khách du lịch ở các xóm: Xóm Sưng, xã Cao Sơn; Xóm Ké, xã Hiền Lương; Xóm Đá Bia, Xóm Mó Hém, xã Tiền Phong; các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng khá đa dạng và hấp dẫn, đã, đang ngày càng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của huyện, tạo công ăn, việc làm cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn địa phương.

Cùng với ban hành các nghị quyết, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình còn thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiếu số làm việc tại các điểm du lịch cộng đồng như: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số về công tác hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề, những kiến thức về sơ, cấp cứu,... Qua đó, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có kiến thức, kỹ năng để làm du lịch, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch còn thấp, chưa được đồng bộ.

Một số giải pháp cơ bản nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện nay

Một là, làm tốt công tác quản lý các cấp đối với phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Thực hiện giải pháp này, đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế du lịch cộng đồng của huyện; triển khai hướng dẫn các quy chế về quản lý du lịch tại các địa bàn có điểm hoạt động du lịch cộng đồng; quan tâm bổ sung cán bộ chuyên môn cho ngành văn hóa, ngành du lịch ở huyện.

Nghiên cứu phân bổ nguồn kinh phí hợp lý cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành văn hóa, ngành du lịch và có chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn vay, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động các doanh nghiệp tham gia xúc tiến du lịch, mở rộng các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng.
Cùng với Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng cho doanh nghiệp xây dựng các tour, tuyến du lịch; nâng cấp, mở rộng và cải tiến trang website chuyên đề về du lịch cộng đồng; thường xuyên cập nhật và đổi mới thông tin, bổ sung nội dung quảng cáo bằng đa dạng các ngôn ngữ như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc,… Bên cạnh đó, cần tiếp tục kết nối hiệu quả với trang website của Tổng cục Du lịch và các địa phương nhằm đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá cho ngành du lịch của huyện.

Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây được xác định là giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương, Ban quản lý du lịch cộng đồng của các làng, bản cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng; hiểu về vai trò quan trọng của du lịch cộng đồng đối với gia đình, địa phương và xã hội; thực sự hiểu giá trị của văn hóa bản địa là “chìa khóa” phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp học, các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề, các chuyến tham quan học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, các mô hình hay trong thu hút khách du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Hướng dẫn cung cấp kiến thức về du lịch và du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Tăng cường xây dựng, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng của huyện, tỉnh, các tỉnh bạn và Trung ương.

Từng bước thay thế các ấn phẩm quảng bá du lịch truyền thống (tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, sách ảnh, bản đồ…) bằng các ấn phẩm điện tử thông qua việc tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet. Trong đó, tập trung quảng bá điểm đến địa phương trên các trang mạng xã hội; nâng cao hiệu quả website du lịch.

Tổ chức thường xuyên, có chất lượng các khóa tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số về một số nghiệp vụ như: kỹ năng giao tiếp, poster, homestay, hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo kỹ năng tiếp đón, thái độ và hành động đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, định hướng, giới thiệu cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài; đào tạo về cách nắm bắt thị trường, phân tích thị trường, xây dựng hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Xây dựng, tổ chức tốt các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đồng bào dân tộc thiểu số hình thành, củng cố thói quen và tác phong nghề nghiệp làm du lịch; khắc phục tình trạng thụ động trong quảng bá, tiếp xúc, mời gọi du khách tiếp nhận sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Đồng thời, cần khuyến khích các cá nhân, tập thể làm du lịch ở địa phương tổ chức nhiều buổi gặp mặt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về phục vụ khách du lịch, bổ sung nghiệp vụ mới trong cách làm du lịch cộng đồng. Song song với đó, cần động viên đi học, tặng học bổng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia học tập ngành dịch vụ du lịch, cũng như tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch.

Ba là, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tự học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong cung cấp các dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với phát triển, bảo tồn những nét bản sắc văn hóa truyền thống.

Khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tự học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong cung cấp các dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với phát triển, bảo tồn những nét bản sắc văn hóa truyền thống là giải pháp căn bản, cốt lõi và lâu dài, nhằm bảo đảm chính sách phát triển bền vững nguồn lực du lịch cộng đồng tại chỗ; góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng về: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”1; cũng như mục tiêu: “Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”2. Theo đó, cơ quan chức năng các cấp của huyện cần coi trọng việc tạo cơ hội học tập cho đồng bào như: Hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận hoặc hợp tác với các trung tâm đào tạo trên địa bàn tỉnh, huyện nhằm cung cấp các khoá học, tài liệu học tập về phát triển du lịch cộng đồng miễn phí hoặc ưu đãi.

Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch của huyện cần nghiên cứu thực trạng nhằm đánh giá cụ thể về số lượng, nhu cầu, khả năng, cũng như những khó khăn, bất cập của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong việc tham gia phát triển du lịch cộng đồng để tham mưu với lãnh đạo, chính quyền địa phương có biện pháp xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, cung cấp hướng dẫn về quản lý du lịch và quảng bá du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển các chương trình du lịch cộng đồng do đồng bào dân tộc thiểu số tự quản lý. Trong đó, đặc biệt khuyến khích sử dụng ngôn ngữ và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Dao,… tạo nên nét đặc sắc đặc trưng về du lịch trên địa bàn.

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho người dân bản địa. Đặc biệt là góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số miền núi phát triển bền vững.

Do đó, để thực sự phát huy được lợi thế, bản sắc riêng có của cộng đồng các dân tộc ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong phát triển du lịch bền vững, không làm ảnh hưởng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh sự thông hiểu, chung sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp du lịch, thì chính các cá nhân, tập thể làm du lịch là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần tích cực, chủ động, tự giác nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong quá trình tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch đúng nghĩa của mô hình du lịch cộng đồng, thể hiện được sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Chú thích:

1,2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr.171; 248 - 249.

Tài liệu tham khảo

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội.

2.  Đặng Thị Phương Anh (Chủ biên, 2018), Phát triển du lịch bền vững, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

3. Xuân Thống (2022), “Phát huy giá trị du lịch trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Tạp chí Thanh tra điện tử, ngày 24/6/2022.

4. Phạm Trung Lương (2022), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Nhà nước, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Hà Nội.

Nguyễn Thị Tuyết -  Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều