Hà Giang: Hỗ trợ cho phụ nữ DTTS tham gia phát triển kinh tế - Hiệu quả từ các mô hình

(Mặt trận) - Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc còn nhiều khó khăn. Dân số trên 89,2 vạn người (nữ chiếm 49,5%), với 87,7% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều phụ nữ DTTS đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình, xã hội.
Các sản phẩm truyền thống do hợp tác xác trên địa bàn tỉnh Hà Giang sản xuất.
Huyện Đồng Văn (một trong những huyện nghèo của cả nước), gồm 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn huyện có khoảng 86.900 khẩu thuộc trên 17.000 hộ dân sinh sống (hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97,15%). Mặc dù là một huyện nghèo, còn nhiều khó khăn và hạn chế cần được khắc phục nhưng những kết quả đạt được của đồng bào dân tộc nơi đây là minh chứng cho sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành các chính sách, chương trình,... và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo điều kiện cho người phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Việc phát triển kinh tế của phụ nữ đồng bào dân tộc Mông tại xã biên giới Sà Phìn (một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Văn) là một điển hình. Đây là xã có duy nhất 1 dân tộc sinh sống, đó là dân tộc Mông. Sà Phìn có khí hậu thời tiết hết sức khắc nghiệt, nắng hạn, thiếu nước, rét đậm, rét hại kéo dài, vào đông có những thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10ºC, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Xã có 3.379 nhân khẩu thuộc 670 hộ dân sinh sống. Trong đó, có 476 hộ nghèo (chiếm 71,04%); 88 hộ cận nghèo (với 459 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 13,13%); còn lại 106 hộ trung bình và khá (với 546 nhân khẩu, chiếm 15,82%).    

Để phát triển kinh tế cho người dân, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, những năm qua, nhiều phụ nữ DTTS đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình kinh tế giúp chị em thoát nghèo. Tiêu biểu làm mô hình sản xuất các sản phẩm thêu, dệt nhuộm vải lanh truyền thống tại xã Sà Phìn. Từ chỗ trồng lanh, dệt vải theo kiểu thói quen tự nhiên, đến nay, các chị em đã được chú trọng tập huấn, nâng cao tay nghề; dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng; được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng, người dệt, người may, người thêu, người nhuộm... thành một chuỗi sản xuất liên hoàn, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, các thành viên cũng được tập huấn về quá trình sử dụng máy móc an toàn (máy quay, máy sợi, máy dệt, máy may...) và được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình sản xuất và có thu nhập ổn định.

Huyện Quản Bạ (một trong những huyện nghèo của cả nước) có dân số trên 57.000 nhân khẩu (có 19 dân tộc cùng sinh sống: dân tộc Mông chiếm 60%, Dao 14%, Tày 11%...). Trong đó, xã Cán Tỷ là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ. Toàn xã có 5.536 nhân khẩu (đa số người dân là đồng bào DTTS) thuộc 1.129 hộ dân sinh sống.

Để hỗ trợ phụ nữ DTTS sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trước những khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường và sự giao thoa văn hóa làm cho nghề dệt lanh của địa phương có nguy cơ mai một, xã đã hỗ trợ tạo sinh kế cho phụ nữ vùng sâu vùng xa và bảo tồn nghề truyền thống. Chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền chị em tham gia theo học lớp tập huấn, khóa học dệt từ những người cao tuổi trong xã có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề dệt, thêu lanh và cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây.  Nhờ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, khu du lịch… nên sản phẩm lanh của phụ nữ DTTS dần có chỗ đứng, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng. Đến nay những mô hình kinh tế của phụ nữ DTTS đã tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ dân tộc Mông, với thu nhập ổn định. Từ một vài sản phẩm thổ cẩm lanh ban đầu, đến nay đã có thêm nhiều sản phẩm như váy, áo, trang phục cách điệu, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô, tranh thêu, chiếc móc chìa khóa xinh xắn... trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Một số sản phẩm lanh đạt OCOCP 3 sao cấp tỉnh.

Những mô hình phát triển kinh tế của chị em phụ nữ DTTS ở Hà Giang cho thấy đó không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công bán ra thị trường, mà còn là môi trường lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, đồng thời nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS. Từ thực tiễn trên cho thấy “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình cũng giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho kinh tế địa phương.

Xác định công tác bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào DTTS. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ tỉnh Hà Giang, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực đã tạo nên “luồng gió mới” góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ đồng bào DTTS. Gần đây, bằng nhiều phương thức như hỗ trợ vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành lập HTX; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; tạo điều kiện cho chị em tham gia trưng bày sản phẩm tại các ngày hội phụ nữ khởi nghiệp hàng năm. Tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023 trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, 3 dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh Hà Giang đều vinh dự được nhận giải. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, Bộ các vấn đề toàn cầu và Chính phủ Canada thông qua Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã tài trợ tỉnh Hà Giang Dự án “Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi sản xuất chè tại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025” thực hiện tại 6 xã/thị trấn của huyện Quang Bình (xã: Tân Bắc, Tân Trịnh, Yên Thành, Xuân Minh, Tiên Nguyên, thị trấn Yên Bình), với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ DTTS trong chuỗi sản xuất chè tại 06 xã huyện Quang Bình. Đồng thời nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho phụ nữ để tăng thu nhập hộ gia đình, thực hiện việc tuân thủ các quy tắc trong sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cộng động; hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền để giải quyết bất bình đẳng trong gánh nặng chăm sóc không lương và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ DTTS;… Dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế bền vững, giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Tích cực thông tin, tuyên truyền về các nội dung, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới và những hủ tục trong gia đình, cộng đồng và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Thông tin điện tử HLHPN tỉnh, qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, thị trấn, cụm dân cư và trên các nhóm zalo, fanpage của các cấp Hội. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 698 Tổ truyền thông cộng đồng với 4.758 thành viên; tổ chức 28 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành Tổ truyền thông cộng đồng; 24 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng; 684 cuộc truyền thông tại các thôn, bản...

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ DTTS ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản và khảo sát, thí điểm hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người; tổ chức các lớp tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã; lớp tập huấn cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng...

                                                                                                Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều