Hà Giang thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống người dân

(Mặt trận) - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về công tác dân tộc góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào.

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn 2.063 thôn, tổ dân phố của 192 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình với tổng kinh phí hơn 8.730 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương gần 7.779 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các vốn khác.

Thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc. Ảnh: dulichvn.org.vn

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo sát sao, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Năm 2022, số lượng công trình cơ sở hạ tầng được duy tu bảo dưỡng thông qua triển khai đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 09 công trình chợ (đã hoàn thành 05/09 công trình) với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 12.940,347 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển, hiện đã giải ngân được 7.752,736 triệu đồng; 100% các xã (175/175 xã) có điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 95%, tăng 3% so với năm 2021. Với tổng kinh phí đầu tư thực hiện 27.424,363 triệu đồng đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển, năm 2023, tỉnh Hà Giang đang triển khai đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 08 công trình chợ trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế tuyến cơ sở, thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với TTYT các huyện vùng cao Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng truyền thông truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ y tế tuyến xã. Các lớp tập huấn tập trung phổ biến nội dung về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và sau sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh; một số hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại cộng đồng.

Việc thực hiện đồng bộ các chính sách góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS: Tăng trưởng kinh tế bình quân của Hà Giang năm 2022 đạt 7,62%; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 34,24 triệu đồng/người/năm tăng 3,66 triệu đồng so với năm 2021; đào tạo nghề cho 10.836 người; giới thiệu 26 doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp; 08 doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức 250 hội nghị tư vấn giới thiệu vệc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp tại các xã, cụm xã trên địa bàn các huyện trong tỉnh cho trên 16.000 người…

Mặt khác, các chính sách dân tộc được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - du lịch gắn với tiềm năng của địa phương. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã trở thành thương hiệu du lịch của Hà Giang: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông… Cùng với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được gìn giữ, phục dựng: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống được tổ chức góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.

Phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Ảnh: congthuong.vn

Nhằm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tỉnh Hà Giang cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm của UBND tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho các đơn vị phụ trách, theo dõi các huyện trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia cần được đổi mới phương pháp, hình thức nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình. Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện giám sát chuyên đề, đồng thời các sở, ngành của tỉnh theo chức năng quản lý đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thành phố…

                                                                                      Minh Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều