Hàm Tân (Bình Thuận) phát triển kinh tế số vùng đồng bào dân tộc

(Mặt trận) - Những năm qua, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Bình Thuận đã và đang nỗ lực triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực đời sống. Trong đó, tiêu biểu là huyện Hàm Tân đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số kinh tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững.

Một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Bình Thuận

Thời gian qua, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo, hành chính công trên địa bàn đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sắc, chỉ đạo triển khai, thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nhằm tạo điều kiện cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp giao tiếp, kết nối và trao đổi thông tin dễ dàng hơn. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về số hóa, ứng dụng số hóa và CĐS được nâng lên, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, tích cực tham gia xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương. Đặc biệt, chú trọng đến việc CĐS để đồng bào DTTS và miền núi được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất, có những cách làm mới, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số, quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyện Hàm Tân có dân số 71.040 người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 1.135 hộ/4.582 khẩu (chiếm tỷ lệ 7,56% so với dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Chăm, Rai, Châu Ro...). Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng dùng chung của tỉnh, nền tảng quốc gia đã được triển khai và đưa vào sử dụng như: phần mềm một cửa, dịch vụ công, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý hộ tịch…; tăng cường kết nối liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của địa phương, doanh nghiệp; chia sẻ dữ liệu số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức phục vụ cho đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; các phòng ban thuộc UBND huyện và UBND các xã - thị trấn có mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao (tối thiểu 40 Mbps); 100% cán bộ công chức, viên chức cấp huyện cũng như ở địa bàn cơ sở đều được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn; hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định đã phủ đến 10/10 xã - thị trấn cùng mạng lưới điểm phục vụ với gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông; 53/53 thôn - khu phố trên toàn huyện đã có tổ công nghệ số cộng đồng (với 159 thành viên), 10/10 xã - thị trấn có tổ CĐS; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được địa phương cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, tổ chức niêm yết tra cứu thủ tục hành chính bằng mã QR. Huyện còn đầu tư, nâng cấp, bổ sung kịp thời trang thiết bị phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện và các xã - thị trấn; tăng cường truyền thông, giới thiệu ứng dụng trên nền tảng số để người dân tương tác với chính quyền trên thiết bị di động thông minh, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh như: PAPI, PAR Index, SIPAS…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác khuyến công; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của huyện. Tất cả các khâu, lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến đều hoạt động theo chuỗi khép kín, thông qua phần mềm công nghệ thông tin nhằm quản lý nhật ký và truy suất nguồn gốc, do đó đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm ra thị trường như: Xoài Đài Loan Suối Giêng (được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Australia, NewZealand vào tháng 2/2023),  Xoài cát Hòa Lộc (Tân Xuân), Bông tắm sơ mướp Ensolife, Bột ớt khô xã Sông Phan,... Thông qua CĐS, sàn thương mại điện tử, facebook, zalo, các nền tảng tiêu dùng online... nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của người dân và doanh nghiệp… nên nhiều hợp tác xã, cửa hàng tiện ích, hàng quán, doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. 

Mô hình chợ 4.0 - Chợ thanh toán không sử dụng tiền mặt tại huyện Hàm Tân được nhân rộng đã tạo thuận tiện cho người mua và người bán không lo nguy cơ tiền giả, không mất thời gian tìm tiền trả lại, càng không cần phải cầm nhiều tiền mặt, nhất là người dân khi đi chợ mà quên đem theo tiền. Tiểu thương và người dân đi chợ có thể mua bán và thực hiện thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua điện thoại trên ứng dụng thanh toán điện tử. Hoạt động này đã tích cực nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của tiểu thương và người dân khi tham gia mua sắm và thay đổi phương thức thanh toán trên địa bàn, góp phần chung vào quá trình CĐS trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Điển hình mô hình chợ 4.0 được triển khai tại chợ Căn cứ 6, thị trấn Tân Minh (ngày 28/5/2023); chợ 46, khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa (ngày 10/10/2023)… Thông qua mô hình, tuyên truyền, vận động các tiểu thương tại chợ đăng ký tài khoản ngân hàng, tham gia đăng ký mã QR thanh toán để người mua thực hiện thanh toán mua hàng thông qua chuyển khoản bằng dịch vụ Smart banking.

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế, từ tháng 11/2023, huyện Hàm Tân triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.

Tiếp tục tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để tạo nền tảng xây dựng chính quyền số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh, ngày 6/3/2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 631 /KH-UBND về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số năm 2023.

Tích cực nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày 24/10/2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 4100/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Kế hoạch đề ra mục tiêu hỗ trợ và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS đối với các chính sách hỗ trợ của chương trình, giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương, tăng cường giao tiếp hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức chương trình từ trung ương đến địa phương…

Chuyển đổi số là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn và chiến lược phát triển của tỉnh trong bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Để chuyển đổi số thành công cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và sự tham gia của đông đảo người dân.

                                                                                                Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều