Hòa Bình: Phát triển mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Trong những năm qua,  được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho bà con vùng miền núi dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phụ nữ DTTS tỉnh Hòa Bình cùng nhau phát triển kinh tế

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), ngày 22/11/2021, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2725/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình sẽ đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Dự án 8 là: 343 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động; 115 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn buôn; 38 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 69 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi được củng cố, thành lập mới tại cộng đồng; 168 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; 80 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã được nâng cao năng lực phù hợp; 19 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX)) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kết nối thị trường.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS của tỉnh. 80 học viên từ các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc và xã Độc Lập đã được hướng dẫn triển khai nội dung ứng dụng KH-CN; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm của HTX/tổ hợp tác, mô hình sinh kế và xây dựng thương hiệu sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm của HTX, tổ hợp tác, mô hình sinh kế. Các hoạt động thương mại điện tử và tham gia sàn thương mại điện tử; các giải pháp Logistics (dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng) và thanh toán điện tử; kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ. Khóa tập huấn này đã cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho  phụ nữ DTTS tỉnh Hòa Bình trong các tổ hợp tác, HTX…  để phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng cũng như quảng bá, kết nối thị trường.

 

Kinh tế tập thể giúp phụ nữ DTTS tỉnh Hòa Bình vươn lên thoát nghèo

Với kiến thức và kỹ năng đã được trang bị cùng với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, cũng như nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, một số HTX ở huyện Kim Bôi, chuyên sản xuất và chế biến dược liệu đã ra đời, gồm 100% thành viên là phụ nữ dân tộc Mường. Trên diện tích 2ha với các cây trồng dược liệu như cà gai leo, thìa canh, huyết dụ, xạ đen… được HTX xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhờ lợi thế địa hình tự nhiên bằng phẳng, khí hậu thuận lợi nên các cây dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt, do đó cung cấp ra thị trường lượng lớn dược liệu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương vươn lên thoát nghèo. Một trong những mô hình khởi nghiệp của phụ nữ DTTS tỉnh Hòa Bình đạt được những thành công nhất định đó là mô hình HTX đa ngành nghề  ở huyện Đà Bắc. từ hoạt động phát triển  du lịch trong những năm gần đây ngày càng lớn; cùng với việc khai thác thế mạnh sẵn có của bà con dân tộc Tày từ chăn nuôi lợn bằng nguồn thức ăn không tạp chất như cây ngô, cây sắn, lá khoai môn, cây chuối... giúp giảm chi phí, chất lượng thịt đảm bảo thơm, ngon. Đến nay, trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 1,5 tấn lợn thương phẩm, cho doanh thu ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu và ngày càng phát triển, giải quyết được việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. HTX đã tạo công ăn việc làm cho hội viên, phụ nữ DTTS tại địa phương, nơi có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đây là mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả tại địa phương, hơn nữa còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và lưu giữ truyền thống văn hóa của người dân tộc Tày.

Nằm ở thành phố Hòa Bình, HTX nông nghiệp của đồng bào DTTS chủ yếu trồng cam, bưởi và chế biến tinh dầu sả, chanh, quế từ vùng nguyên liệu tại chỗ. HTX luôn chủ trương tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên là phụ nữ đồng bào DTTS người Mường, Dao, Thái. Nhận thấy cây sả có tiềm năng phát triển kinh tế khi tận dụng diện tích vườn, đồi để trồng sả xen canh tại địa phương, ban lãnh đạo HTX đã nghiên cứu, thống nhất trong thành viên để đầu tư sản xuất cây sả theo hướng kinh tế hàng hóa và đã tạo chỗ đứng riêng trên thị trường.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, nhất là phụ nữ thoát nghèo như hoạt động ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp phụ nữ DTTS và miền núi có kiến thức, kỹ năng tham gia phát triển kinh tế bền vững.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều