Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng

(Mặt trận) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc  để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững được Lai Châu chú trọng, đưa vào kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh giai đoạn 2020 – 2030.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Một số bản du lịch cộng đồng đã từng bước khẳng định thương hiệu, trong đó không thể không nhắc đến 5 bản du lịch cộng đồng có thế mạnh tại huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường của tỉnh như: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Theo, Bản Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, Bản San Thàng.

Ảnh minh họa: Điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ gìn giữ phong tục tập quán

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ, nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu 35km, bản có tổng số 127 hộ với 672 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông.  Đến Sin Suối Hồ, những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà, chỉ cao tới nửa người. Đến nay, tại bản Sin Suối Hồ còn giữ được hàng chục ngôi nhà trình tường truyền thống, tạo nên phong cảnh hữu tình đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.

Không chỉ có vậy, Sin Suối Hồ còn hấp dẫn du khách bởi đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Đặc sắc nhất phải kể tới những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng như Lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông, được tổ chức từ mồng 3 đến mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn như ném pao, đẩy gậy, kéo co, tù lu... Ngoài ra còn có các lễ hội thường niên như Lễ hội mừng thóc mới, Lễ hội rau cải Mèo... Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn mặc, dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với đó, các nghề truyền thống như thêu thổ cẩm, nấu rượu, đan lát, rèn... cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Hiện nay, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ Homestay, Bungalow và 6 hộ làm dịch vụ ăn uống, có 1 hợp tác xã tiếp đón và phục vụ du khách với sức chứa trên 300 du khách mỗi ngày, đêm. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch.

Với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước. Nơi đây được bình chọn là 1 trong 4 làng Du lịch cộng đồng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, vừa qua, bản Sin Suối Hồ đã được tôn vinh trở thành bản Du lịch cộng đồng ASean 2023.

Du khách trải nghiệm điệu múa Xòe, nét văn hóa đặc sắc của người Thái tại bản Vàng Pheo (Mường So, Phong Thổ, Lai Châu). 

Tiếp đến là bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo xã Mường So huyện Phong Thổ. Được coi là cái nôi của người Thái trắng, bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo cách thành phố Lai Châu khoảng 25km, trên tuyến du lịch Lai Châu – Điện Biên. Bản nằm ở điểm gặp gỡ của hai dòng suối Nậm So và Nâm Lùm, với gần 100 hộ dân cùng hơn 400 nhân khẩu, trong đó 100% là người Thái trắng.  Văn hóa của người Thái trắng ở Vàng Pheo vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn từ những ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ váy của người phụ nữ Thái trắng được thiết kế cầu kỳ, váy khâu liền màu đen tuyền, dài chấm mắt cá chân, áo cóm chấm đến thắt lưng, cổ liền... Lễ hội văn hóa của người Thái ở Vàng Pheo là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh miêu tả đời sống xã hội, mang những nét đặc trưng truyền thống của đồng bào Thái xứ Mường So, tiêu biểu như các lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch)… trong các lễ hội ngoài các nghi thức lễ còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân như: tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy, tù lu…

Bản Vàng Pheo được công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh năm 2012. Mỗi năm, bản Vàng Pheo đón trung bình trên 6.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Thái. Nhiều năm qua, bản Vàng Pheo luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa tiêu biểu và cũng là điểm sáng về du lịch cộng đồng của huyện Phong Thổ.

Ngoài ra còn phải kể đến bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu huyện Tam Đường. Bản được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng năm 2016, với hơn 60 hộ dân là người Dao sinh sống. Nơi đây lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo của người Dao. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm cùng đồng bào Dao trong Lễ hội Cấp sắc, Lễ Nhảy lửa; Dệt thổ cẩm...  Đáng chú ý, đến đây vào mùa lúa chín vàng, khách thăm có thể tham gia trò chơi mạo hiểm, thú vị như dù lượn để trải nghiệm bay trên thung lũng Tam Đường dưới chân tuyệt đẹp.

Được biết, hàng năm riêng bản Sì Thâu Chải đón trên 11.000 lượt khách, có khoảng 700 khách nghỉ lại qua đêm tại các gia đình làm homestay. Hiện nay, huyện Tam Đường đang tăng cường liên kết với các câu lạc bộ dù lượn, tổ chức bay dù hằng năm vào các dịp lễ hội ở địa phương, qua đó quảng bá thêm hình ảnh về con người, cảnh vật, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Dao ở bản Sì Thâu Chải, để thu hút du khách gần xa đến với địa phương ngày một nhiều hơn.

Cùng với đó là Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường được công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh năm 2019, 100% là đồng bào dân tộc Lự sinh sống hầu hết vẫn lưu giữ nguyên các nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến đây du khách ở homestay thưởng thức những món ẩm thực của người Lự như: Thịt lợn nướng, Thịt lợn quay, sôi màu, Món canh gà nấu gừng, Canh rêu đá, Canh măng (Bên cạnh đó không thể thiếu được rượu ngô, rượu thóc... cùng hòa mình vào những bài hát dao duyên, đối đáp; những điệu múa khăn, múa nón, múa quạt; hay những bài hát dân ca vang vọng núi rừng của các chàng trai cô gái trong đội văn nghệ của bản.

Bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Lựa chọn, xác định những giá trị văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc thiểu số có số lượng dân số đông, sinh sống thành cộng đồng để bảo tồn và phát huy ở từng địa điểm. Tỉnh đã xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xây dựng 30 bộ sưu tập hiện vật của 10 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Nhằm phục vụ trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch, tỉnh chỉ đạo xây dựng 1 bộ phim tư liệu về vùng văn hóa dân tộc Thái. Lựa chọn, định hướng, hỗ trợ xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Giáy, Lự. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đạt sản phẩm du lịch OCOP 3 sao và “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.

Triển khai 4 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội; tổ chức 22 lớp truyền dạy về nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo hình trang phục; phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc; khôi phục quy trình sản xuất 1 nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu, 45 trường học (20% trường phổ thông toàn tỉnh) thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, thiết thực các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị, phong trào văn hoá văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, toàn tỉnh có 88,6% đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã, 16 câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ dân gian xã phường, thị trấn hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản tích cực, chủ động tham gia trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp thông qua các lớp truyền dạy, các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa tại cộng đồng.

Đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, 3 tỉnh Bắc Lào; tăng cường hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các vùng Trung - Nam Bộ.  Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương với du khách trong và ngoài nước, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cùng nhiều địa phương đã tổ chức đồng loạt nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc của các đồng bào dân tộc như Thái, Mông, Dao như: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường, Chương trình Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên...

Tuyến sản phẩm chợ phiên, chợ đêm vùng cao như chợ San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên)... với sự nổi bật là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao đang cho thấy hiệu quả. Tỉnh tiếp tục phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp địa phương với các điểm nhấn nổi bật như: Khu Du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây, khu du lịch sinh thái đèo Hoàng Liên Sơn, cung đường ruộng bậc thang Thu Lũm (huyện Mường Tè), làng cá Thẩm Phé (Than Uyên)...

Ngoài ra, Sở VHTTDL Lai Châu đã tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đặc biệt là người dân tham gia vào cung cấp dịch vụ du lịch, tổ chức các lớp tập huấn như kỹ năng đón tiếp khách, kỹ năng homestay, thuyết minh viên theo tiêu chuẩn VTOS, kỹ năng chế biến các món ăn… Để đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là khách quốc tế ngày càng tốt hơn, tỉnh Lai Châu đã chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ HDV, phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rau màu và các thực phẩm sạch. Để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các thông tin liên quan đến các điểm du lịch cộng đồng, Sở VHTTDL Lai Châu đã chủ động đăng tải về các điểm du lịch cộng đồng trên các trang thông tin điện tử. Những người yêu thích du lịch Lai Châu, doanh nghiệp du lịch cũng tích cực đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo…

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Vừa giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều