Lâm Đồng: Áp dụng các chính sách ưu đãi giúp hộ nghèo đồng bào DTTS đầu tư sản xuất

(Mặt trận) - Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lâm Đồng có lợi thế tài nguyên đất đai phong phú, đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa đã tạo thế mạnh trong phát triển sản xuất và du lịch cộng đồng Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình)tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.
Tạo sinh kế cho đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng

Ngày 05/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 5813/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu thu nhập bình quân của người DTTS cuối năm đạt 44,9 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS từ 2-3%, hộ cận nghèo từ 3-5%. Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, tỉnh Lâm Đồng chú trọng Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó bao gồm Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng cho 806 hộ/20.906 ha tại huyện Đam Rông và Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS; trong đó hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân cùng tham gia thực hiện; củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; trong đó, tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu như: nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng các hoạt động đa dạng sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Kế hoạch và quy định của Chương trình.

Năm 2022, tổng vốn bố trí cho Chương trình là hơn 232 tỷ đồng, gồm hơn 126 tỷ đồng vốn đầu tư công, gần 66 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 40 tỷ đồng vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Năm 2023 là hơn 370 tỷ đồng, gồm hơn 162 tỷ đồng vốn đầu tư công, hơn 171 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 30 tỷ đồng vốn tín dụng và hơn 6 tỷ đồng huy động từ nguồn đối ứng của người dân và ngân sách huyện.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị chủ trì chính thực hiện Chương trình với các tiểu dự án liên quan tới nông nghiệp bền vững, tạo sinh kế cho người dân. Năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với UBND huyện Đam Rông để rà soát xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí thực hiện hoạt động trồng rừng sản xuất trên diện tích 632,45 ha của 737 hộ dân với tổng kinh phí dự kiến là trên 6,3 tỷ đồng. 

Hiện nay, tổng diện tích giao khoán trên địa bàn các xã thuộc khu vực II và III (gồm các xã Đưng K’nớ - huyện Lạc Dương; các xã Đạ Long, Đạ M’rông, Đạ Tông; Liêng S’rônh, huyện Đam Rông) là 15.479 ha với 503 hộ nhận khoán nằm trong lưu vực Sêrêpốk. Năm 2022 và năm 2023, các khu vực này được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng với đơn giá khoán đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Tổng số tiền ước tính đạt trên 17 tỷ đồng.

Đối với tiểu dự án 2 - dự án 3 là hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị năm 2023 kinh phí được phân bổ gần 25 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn thực hiện năm 2023 hơn 41 tỷ đồng. Theo báo cáo, hiện các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai thực hiện để xây dựng các dự án hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng của Chương trình.

 

Lâm Đồng có lợi thế về địa hình và khí hậu cho phát triển nông nghiệp

Tỉnh Lâm Đồng có lợi thế tài nguyên đất đai phong phú, đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa đã tạo cho Lâm Đồng thế mạnh trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đam Rông – huyện vùng sâu, vùng xa, từng là huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng nay đã có sự đổi thay rõ rệt. Những năm qua, Đam Rông được ưu tiên đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ Chương trình, trong đó, chủ yếu hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Hiện, Đam Rông đã định hình được các vùng sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, như mắc ca, sầu riêng, chuối laba, dâu nuôi tằm, cá nước lạnh, rau - hoa các loại... Trong đó, có 840ha diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hiện diện tích cây ăn quả toàn huyện hơn 2.318 ha, cây dâu tằm hơn 709 ha, mắc ca là 1.582 ha. Toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP, gồm hai sản phẩm bốn sao, còn lại ba sao; là vùng phát triển cá tầm lớn nhất ở Tây Nguyên, với hơn 175 ha mặt nước, chủ yếu nuôi cá nước lạnh... Đây là kết quả của việc chuyển đổi phù hợp trong sản xuất và mang lại giá trị kinh tế cao.

Đam Rông là huyện có 65% dân cư là người DTTS, trong đó chủ yếu là người K’ho. Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, thực hiện Chương trình, huyện Đam Rông còn chú trọng phát triển ngành du lịch dịch vụ theo hướng cộng đồng, gắn với bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Huyện Đam Rông đang định hướng phát triển du lịch dựa trên 4 trụ cột, đó là: du lịch tham quan nghỉ dưỡng tại khu du lịch Suối khoáng nóng Daana Đạ Tông; phát triển các điểm du lịch canh nông, tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chuối laba ở xã Đạ K’Nàng, mắcca ở xã Phi Liêng, trầm hương ở xã Liêng Srônh, cá tầm ở xã Rô Men và xã Liêng Srônh; tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc càphê, cây ăn trái ở xã Đạ Rsal…; phát triển du lịch văn hóa bản địa như xem diễn tấu cồng chiêng, thưởng thức rượu cần và các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa bàn 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long; du lịch thể thao mạo hiểm chèo thuyền trên sông Krông Nô  ở xã Đạ M’rông.

Là địa phương có gần 70% dân số là DTTS, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, đời sống đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên. chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo đồng bào DTTS có vốn để đầu tư sản xuất. Năm 2022, đã có 80 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Các hộ nghèo DTTS cũng đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm và kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên, mang lại hiệu quả trong việc đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân DTTS đã phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa để đồng bào DTTS mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và phát triển kinh tế. toàn huyện hiện có 23 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đang dần hình thành, phát triển, trong đó có các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân vùng đồng bào DTTS.

Những giải pháp hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị được tỉnh đã và đang từng bước triển khai theo đúng mục tiêu Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 3/6/2022 của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2022 đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; hằng năm thu hút 3 - 5% lao động sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều