MTTQ các cấp tích cực vận động đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội đã được triển khai thực hiện, nhờ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên. Cùng với sự phát triển là nỗi lo về biến đổi môi trường tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước, đất đai…  Mặt trận Tổ quốc các cấp đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình thức vận động đồng bào dân tộc chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại xã Thượng Yên Công (Quảng Ninh) (Nguồn Internet)
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững của kinh tế phải gắn với việc xử lý tốt các vấn đề công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sức khỏe và cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Lạc Dương là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng, với trên 67% dân số là người đồng bào DTTS, thời gian qua, ấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Lạc Dương luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Dó đó địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh toàn dân tham gia công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng qua các nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý môi trường, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, các cấp ủy đảng cơ sở thường xuyên phát động phong trào trồng rừng, trồng cây xanh, thu gom rác thải, nạo vét các dòng suối, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy, hưởng ứng giờ trái đất... để kịp thời ứng phó khi xảy ra thiên tai. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải ra môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, duy trì độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 85%... 

Tại thôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) đều tự giác tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào thứ 7 hàng tuần. Không chỉ người dân mà cán bộ, đảng viên, công chức sinh sống trên địa bàn đều tham gia, qua đó lan tỏa phong trào đến từng hộ gia đình, nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao. Không chỉ ở Đưng K’Si, hàng tuần, các thôn trên địa bàn xã Đạ Sar đều đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, nạo vét mương, khơi thông cống rãnh, phát dọn cỏ hai bên đường, thu gom rác thải, chỉnh trang nhà cửa, đường xóm, thôn, xã sáng - xanh - sạch - đẹp để tôn tạo cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, xã còn vận động người dân thu gom rác đến nơi quy định, hạn chế các điểm chứa rác thải tự phát; khuyến khích các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; đặc biệt, vận động người dân trên địa bàn chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại, hạn chế nuôi thả rông gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường sống. Qua đó tạo nên diện mạo mới cho buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS hôm nay.

Hay như mô hình “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp” của khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh với đông đảo đồng bào Chăm. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khu phố 2, phường 1 đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Chăm nâng cao ý thức, tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như: ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường; đăng ký thu gom rác thải; hạn chế sử dụng túi ni-lông; xả nước thải đúng nơi quy định… Ngoài ra, còn vận động đồng bào dân tộc Chăm tích cực tham gia các hoạt động xây dựng tuyến đường văn minh; Ngày chủ nhật xanh; ngày Môi trường thế giới; Tháng hành động vì môi trường… Khu phố đã thành lập Ban vận động thực hiện mô hình gồm 13 thành viên, do Phó Bí thư Đảng uỷ phường làm trưởng ban. Các thành viên Ban vận động đến từng hộ đồng bào dân tộc Chăm để vận động, tuyên truyền và cho làm cam kết thực hiện các nội dung bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua đó từng bước xây dựng môi trường trong khu dân cư, trong cộng đồng người dân tộc Chăm ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Để duy trì và phát huy kết quả đạt được trong hoạt động môi trường trên địa bàn xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã xây dựng được mô hình bảo vệ môi trường tại 8/8 thôn. Tại 8 thôn đều xây dựng mô hình thu gom rác thải bằng việc lắp đặt được các thùng nhựa có lắp đậy tại các trục đường chính của xã. Xây dựng bể chứa đổ bằng xi măng thu gom 100% rác thải nguy hại (vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật...) tại các cánh đồng, vườn trồng cây ăn quả trên địa bàn xã. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đã góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giữ cho đường làng, ngõ xóm luôn khang trang, sạch đẹp, đến nay không còn tình trạng vứt rác ra đường gây ô nhiễm môi trường. Các hộ chăn nuôi đã xây bể khí sinh học biogas, sử dụng đệm lót sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện trên địa bàn không còn tình trạng nhà ở liền kề với chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, gây ảnh hưởng sức khỏe đối với đồng bào DTTS.

Có thể nói các phong trào "5 không 3 sạch" và "Ngày chủ nhật xanh", giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thu gom, đổ rác đúng nơi quy định, trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường địa phương ngày càng xanh, sạch.

Trong giai đoạn mới, MTTQ các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào DTTS hiểu được bảo vệ môi trường vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mỗi người dân nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều