Nâng cao vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Với chức năng giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Sau hơn 2 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả nhất định, nâng cao vai trò của Mặt trận các cấp trong thực hiện Chương trình. 

Đồng bào DTTS và miền núi là đối tượng của Chương trình

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động triển khai, thực hiện và tổ chức giám sát Chương trình với nhiều nội dung và cách làm sáng tạo.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021- 2025. Thực hiện Chương trình phối hợp của Trung ương, 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ban Dân tộc của các tỉnh. Một trong những nội dung trọng tâm là công tác phối hợp triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình. Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Tuyên Quang và Cao Bằng.

Trong Chương trình phối hợp, Ban Thường trực chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng kế hoạch cụ thể, phấn đấu mỗi năm giám sát từ 1- 3 công trình đầu tư của xã, của thôn thuộc địa bàn vùng DTTS và miền núi trong Chương trình. Trong năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Kế hoạch số 388/KH-MTTW-UB về giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, trong đó một trong những trọng tâm là giám sát, phản biện việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.  Đặc biệt đối với Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Về hoạt động, MTTQ Việt Nam tập trung 3 nội dung chính: Giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện; Giám sát việc xác định đối tượng thụ hưởng Chương trình và giám sát việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình. Đối tượng giám sát là các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Các cơ quan, tổ chức, đơn vị các địa phương có đối tượng thụ hưởng Dự án. Trong đó, Trung ương lựa chọn một số tỉnh giám sát trực tiếp, các tỉnh còn lại tổ chức thực hiện giám sát, báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, công tác giám sát và phản biện xã hội còn nhiều mặt hạn chế như: nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều; phản biện còn ít; một số nơi làm còn hình thức, thụ động chưa rõ vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, làm cho xong, chưa dám nêu chính kiến của tổ chức mình; kỹ năng năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi làm chưa tốt. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ Việt Nam các cấp có nhiều hình thức giám sát đa dạng, nội dung trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực.

Qua giám sát tại tỉnh Quảng Nam cho thấyquá trình triển khai Chương trình còn  gặp không ít khó khăn. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình, một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là hướng dẫn về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí. Vì vậy, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh dù được phân bổ nhưng chưa có cơ sở để triển khai.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư của Chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt thấp (đến 30/1/2023, vốn đầu tư mới giải ngân 18,9%; vốn sự nghiệp giải ngân mới 4,5%). Một số nội dung thuộc các dự án như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi số... còn nhiều bất cập, khó khăn. 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp biên soạn, cung cấp tài liệu (hỏi - đáp) ngắn gọn, dễ hiểu để vận động người dân thực hiện chương trình; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giám sát.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ thống nhất hướng dẫn để ban giám sát đầu tư của cộng đồng được hưởng khoản kinh phí giám sát (chi phí giám sát công trình) của các công trình, dự án đầu tư ở cơ sở…

Tại tỉnh Trà Vinh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã và đang làm tốt công tác triển khai, quán triệt trong toàn hệ thống về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong việc phối hợp và tham gia triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp các tổ chức thành viên và Ban Chỉ đạo Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện và giám sát Chương trình, nhất là chỉ đạo và hướng dẫn Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã thuộc các địa phương thụ hưởng tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình, qua đó phấn đấu giám sát mỗi xã ít nhất 01 cuộc/năm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn Mặt trận các cấp xây dựng mô hình điểm về công tác giám sát tại cơ sở, chú trọng việc giám sát tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những nội dung còn chồng chéo, bất cập; mạnh dạn nêu lên những kiến nghị và theo dõi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát; đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và dư luận xã hội đối với việc tổ chức thực hiện Chương trình ở các địa phương để đảm bảo cho việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Để đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung thực hiện tốt các nội dung, giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Chương trình; Tập trung phổ biến, giới thiệu các nội dung của Chương trình đến các cấp, các ngành…; Biên soạn, giới thiệu những nội dung cơ bản Nghị quyết số 88, 120 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Biên soạn giới thiệu nội dung cơ bản Quyết định 33 ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về: “Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS, miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 – 2025; Biên soạn, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 liên quan đến công tác giám sát và phản biện xã hội; Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam; Nghị định 29 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định quyền và trách nhiệm của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công tại địa bàn xã, phường, thị trấn được triển khai thực hiện Chương trình; và Đẩy mạnh thực hiện các chủ trương công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện, giám sát Chương trình.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều