Ninh Thuận: Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Nhằm nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS, những năm qua, Ninh Thuận tích cực thực hiện các nội dung của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) bằng nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cơ hội cho phụ nữ.

Ninh Thuận chú trọng mục tiêu bình đẳng giới trong DTTS

Ngày 19/9/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4086/KH-UBND Triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình giai đoạn 2022-2025 với mục đích là: Cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Dự án 8; định hướng, hỗ trợ tại 06 huyện (huyện Bác Ái, huyện Ninh Sơn, huyện Thuận Bắc, huyện Thuận Nam, huyện Ninh Phước và huyện Ninh Hải) triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các hoạt động đề ra của Dự án đến năm 2025; và nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án được triển khai tại 71 thôn thuộc 23 xã của 6 huyện, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS. Cụ thể, huyện Bác Ái: gồm 35 thôn của 09 xã; huyện Thuận Bắc: gồm 16 thôn của 05 xã; huyện Ninh Sơn: 12 thôn của 05 xã; huyện Thuận Nam: 05 thôn của 01 xã; huyện Ninh Phước: 02 thôn của 02 xã và huyện Ninh Hải: 01 thôn của 01 xã.

Hoạt động của Dự án tập trung các nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn.

Đến nay, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận đã hướng dẫn xây dựng, thành lập được hơn 100 CLB phòng, chống bạo lực gia đình; 242 “Địa chỉ tin cậy dựa vào cộng đồng” tại 65/65 xã, phường, thị trấn. Thông qua những mô hình, CLB, Hội Phụ nữ đã tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các thành viên tham gia. Từ đó, phát huy tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho hội viên trên các lĩnh vực, giúp hội viên nắm bắt, cập nhật kiến thức về pháp luật cũng như kiến thức về xã hội, gia đình để tự bảo vệ mình.

Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo Hội LHPN các huyện triển khai thực hiện; đồng thời tổ chức chuỗi các hoạt động từ ngày 23/10 đến ngày 01/12: Tổ chức khảo sát đầu kỳ các nội dung liên quan đến bình đẳng giới tại 06 huyện; mở 05 lớp tập huấn về chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng cho cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức 01 lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội cơ sở tại các địa phương có địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; tổ chức 04 lớp tập huấn về chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ các ngành cấp huyện, xã; 01 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ tổng phụ trách Đội 14 trường Trung học cơ sở thuộc 04 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn và Thuận Nam. Qua các lớp tập huấn, các đại biểu được trang bị những kiến thức cơ bản về giới, định kiến giới, bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ; hướng dẫn thành lập, vận hành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; thành lập và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông sáng tạo.

Công tác cán bộ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là người DTTS cũng được chú trọng, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác quản lý, trong hệ thống chính trị của tỉnh; tỷ lệ tăng lên qua các nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau. Nhờ phát triển kinh tế, phụ nữ DTTS ở Ninh Thuận không chỉ nâng cao vị thế cá nhân mà còn đóng góp tích cực vào kinh tế của gia đình và sự phát triển của xã hội.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều